Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ và nhiều nước đã nhận được lệnh truy nã này. Được biết trước ông Thanh, Giang Kim Đạt cũng bị truy nã đỏ về tội tham ô tài sản.
Theo báo Công an Nhân dân, lệnh truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống lệnh truy nã hiện có của Interpol và cũng là một loại giấy chứng nhận bắt giữ hình sự mang tính chất tạm thời. Lệnh truy nã đỏ chính thức được ban hành và có hiệu lực sau khi có cả hai chữ ký, một của Trưởng trung tâm Interpol nước xin phát lệnh truy nã và chữ ký của Tổng thư ký Tổ chức Interpol quốc tế.
Trong lệnh truy nã đỏ ngoài ảnh đối tượng truy nã còn có 2 phần nội dung chính yếu. Phần thứ nhất là những thông tin liên quan nhân thân đối tượng (họ tên, quốc tịch, đặc điểm nhận dạng, vân tay, số hộ chiếu, số chứng minh thư...). Phần thứ 2 là những thông tin tư pháp thông báo quá trình phạm tội và những căn cứ pháp luật để bắt giữ đối tượng (trích yếu vụ án, tòng phạm, tội danh, các điều khoản pháp luật liên quan, lệnh bắt giữ, bản án, thời gian bản án có hiệu lực...).
Theo quy định, trong vòng 1 tuần, lệnh truy nã đỏ sẽ được Tổng thư ký Interpol xem xét, sau đó chuyển cho các chuyên gia luật pháp của Interpol thẩm định kỹ càng mới được ký duyệt và chính thức có hiệu lực tại lãnh thổ các quốc gia thành viên Interpol.
Thời hạn có hiệu lực thi hành đối với một lệnh truy nã đỏ là 5 năm, nếu hết hạn thi hành mà vẫn chưa bắt được đối tượng truy nã thì Interpol lại quyết định gia hạn hiệu lực thêm 5 năm nữa cho tới khi nào bắt được đối tượng mới thôi.
Vào sáng ngày 17/11, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, chất vấn của các đại biểu liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là đúng, tuy nhiên không nhất thiết phải công khai vì vụ án đang trong quá trình điều tra.
Trước thông tin, không thấy tên ông Trịnh Xuân Thanh trên trang truy nã quốc tế của Interpol, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, qua kiểm tra thấy Ban thư ký của Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh từ ngày 29/9/2016, sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan điều tra Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh thuộc trường hợp truy nã đỏ. Hiện nhiều nước đã nhận được lệnh truy nã.
Được biết, trước Trịnh Xuân Thanh, Giang Kim Đạt cũng bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ. Theo báo Tiền Phong, Giang Kim Đạt (SN 1977, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin, thuộc Tập đoàn Vinashin). Đạt là đối tượng đóng vai trò chủ chốt trong vụ án xảy ra tại Vinashin, có dấu hiệu phạm tội "cố ý làm trái" trong việc mua tàu Hoa Sen, song đã bỏ trốn vào ngày 24/8/2010.
Sau khi Tổng cục An ninh- Bộ Công an xác định Giang Kim Đạt bỏ trốn, cơ quan ANĐT đã ra Quyết định truy nã và ngày 8/11/2010 đã gửi thông báo đến Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế ra lệnh truy nã quốc tế. Quá trình truy bắt Giang Kim Đạt gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 23/1/2015, Giang Kim Đạt bị bổ sung quyết định truy nã đỏ quốc tế về "tội tham ô tài sản".
Ngày 7/7/2015, Cơ quan ANĐT – Bộ Công an đã phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật của các nước và tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol bắt giữ bị can Giang Kim Đạt (SN 1977).
Trước đó vào tháng 2/2015, cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ một đối tượng người Mỹ gốc Việt bị truy nã đỏ quốc tế khi đang lẩn trốn tại TP HCM.
Theo báo Công an Nhân dân, đối tượng bị bắt là Alexander Công Giáp (SN 1959), quốc tịch Mỹ, bị truy nã theo lệnh truy nã "đỏ" số A-6376/8-2014 do Ban Tổng thư ký Interpol ban hành ngày 20/8/2014 căn cứ lệnh truy nã của Tòa án Hoa Kỳ cấp quận phía Đông Virginia về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin của Cảnh sát Mỹ cung cấp, Alexander Công Giáp điều hành 3 cơ sở kinh doanh, trong đó có 1 công ty hỗ trợ các thủ tục về thuế tại Mỹ.
Từ tháng 8 đến tháng 12/2008, Alexander Công Giáp đã lừa đảo một phụ nữ là khách hàng của công ty bằng thủ đoạn mời chào cơ hội đầu tư giả mạo. Khi nạn nhân gửi tiền vào tài khoản, Giáp là người hỗ trợ các thủ tục về thuế cho nạn nhân. Giáp yêu cầu nạn nhân gia hạn cho anh ta một khoản nợ để anh ta có thể gia hạn một khoản nợ khác cho một người đầu tư vàng tại Việt Nam. Nạn nhân đồng ý và đã chuyển 2 lần tiền với tổng số tiền 170.000 USD vào tài khoản công ty hỗ trợ các thủ tục về thuế của Giáp.
Tuy nhiên, sau đó Giáp không có khả năng trả lại và thừa nhận rằng người đầu tư vàng không tồn tại, Giáp đã tạo ra câu chuyện đầu tư đó để thuyết phục nạn nhân cho anh ta vay tiền. Thực tế Giáp đã dùng tiền vay để trả nợ cá nhân.
Tháng 8/2013, Tòa án quận phía Đông bang Virginia (Mỹ) đã kết án Alexander Công Giáp phạm tội "lừa đảo qua mạng" theo điều 18 Luật Hình sự Mỹ với mức hình phạt cao nhất là 30 năm tù. Sau khi gây ra vụ việc, Alexander Công Giáp đã bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã "đỏ" quốc tế.