Đối với nhiều độc giả, việc đưa hình ảnh của người thụ nạn lên mặt báo bên cạnh các “mạnh thường quân” là cách Từ thiện quá phô trương, làm giảm đi tính nhân văn vốn có của hành vi thiện nguyện từ tâm.
Từ thiện – đúng như tên gọi của nó – vốn dĩ là hoạt động mang đậm tính nhân văn, thể hiện sự giúp đỡ, sẻ chia với những người có hoàn cảnh kém may mắn, là sự kết nối tình yêu thương giữa người với người. Đó là quá trình của việc “cho đi” và “nhận lại”. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, rất nhiều chương trình từ thiện vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, trong đó có cách “cho” của những người ở vào tâm thế “ban phát”.
Từ lâu, bạn đọc đã không còn xa lạ với các chương trình từ thiện dành được thông tin trên các mặt báo. Và ở các chương trình đó, ngoài giá trị của các “suất quà” mang tính hỗ trợ, giúp đỡ, bạn đọc luôn bắt gặp hình ảnh khá quen thuộc là màn trao quà của nhà tài trợ dành cho các cá nhân, tổ chức được từ thiện. Đại diện của “bên cho” có thể là cá nhân, doanh nghiệp; còn thay mặt cho “bên nhận” thường là những người có hoàn cảnh kém may mắn, người bị nạn hay thân nhân của họ.
Nếu chỉ đơn thuần là sự cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ kịp thời đối với những cảnh đời kém may mắn kiểu như: người trọng bệnh sẽ có cơ hội được phẫu thuật, người khó khăn có cơ hội thoát được cảnh ở nhà tạm, trẻ mồ côi có cơ hội được tiếp tục đến trường, thân nhân của người bị nạn được nhận hỗ trợ về tài chính để bù đắp phần nào tình cảm bị thiếu hụt của cha, của mẹ… thì lúc đó, từ thiện đã thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa nhân văn vốn có. Bởi “bên cho” thì xuất phát thiện nguyện từ tâm, muốn sẻ chia, đồng cảm..; còn “bên nhận” thì có được sự hỗ trợ rất kịp thời, giúp họ có cơ hội thoát được tình trạng khó khăn, bế tắc, thậm chí đau thương ở hoàn cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, liên tiếp các chương trình từ thiện diễn ra thời gian vừa qua, độc giả đều thấy hình ảnh của các mạnh thường quân phô trương có phần hơi quá đà, và người nhận thì cũng phải xuất hiện trong những khung hình “lưu niệm” bên cạnh các nhà tài trợ dù không ít người vừa mới trải qua cảnh chết vợ, tang chồng…
Chứng kiến những hình ảnh đó, tìm hiểu về các chương trình đó, độc giả đều có chung câu hỏi: “Người ta từ thiện để làm gì?”
Liên quan tới câu chuyện trong một chương trình truyền hình tương tác cách đây không lâu, một MC kỳ cựu đã phải hứng “búa rìu dư luận” khi liên tiếp đặt câu hỏi với khách mời của chương trình “từ thiện để làm gì? đi làm từ thiện là vì ai, vì người sẽ được nhận sự hảo tâm đó hay là vì chính bản thân họ?”. Và trong phần trả lời, các khách mời nêu quan điểm: Làm từ thiện một phần trong đó để thỏa mãn cái tôi, muốn mang được phần quà đến cho những người đang cần chúng; để thể hiện được lòng yêu thương đối với mọi người, để trong cuộc sống mình cảm thấy thanh thản… Tuy nhiên, trong thực tế, không ít tổ chức, người nổi tiếng đã dùng từ thiện như một phương tiện để quảng cáo, đánh bóng tên tuổi và hình ảnh của chính bản thân, tổ chức của mình.
Trong trường hợp này, các mạnh thường quân được đánh giá là những nhà từ thiện không hề “vô tư”. Bởi để PR cho tên tuổi của mình, họ để thực hiện từ thiện một cách phô trương và thiếu tế nhị. Đó là sự xuất hiện với tần suất dày đặc hình ảnh của nhà tài trợ, các nhãn hàng kèm theo trị giá của các suất quà bên cạnh những người thụ nạn. Trong khi đó, vào những giờ phút diễn ra từ thiện, đáng ra, quyền riêng tư của những người thụ nạn cần phải được tôn trọng ở mức tối đa, hình ảnh của họ khi vừa trải qua những chuyện đau thương cần tránh bị đưa lên mặt báo.
Có ý kiến cho rằng, việc khuyếch trương khi làm từ thiện sẽ là một cách hữu hiệu để lan truyền cảm hứng cho những người khác, nhân rộng những hình ảnh đẹp, những cử chỉ thấm đẫm tính nhân văn. Thế nhưng, một số độc giả lại quan điểm, từ thiện thì nên thầm lặng. Sự giúp đỡ, sẻ chia thầm lặng, chân thành đó mới thật sự ý nghĩa đối với cả người cho và người nhận.
Cả hai luồng ý kiến trên đều có sự hợp lý riêng, tuy nhiên, điều cốt yếu là bất kể trong các tình huống từ thiện nào, cũng cần hạn chế đưa hình ảnh của người thụ nạn lên mặt báo bởi điều đó trước nhất là tránh việc xâm phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân, sau đó là hạn chế được chuyện dùng tai nạn để vụ lợi và từ thiện mới không phản tác dụng.
Như vậy để thấy, từ thiện hay thiện nguyện không phải là vấn đề đơn giản. Giống như người xưa có câu: “Làm ơn không nên nhớ, chịu ơn chớ nên quên”. Và món quà mà người trao dành tặng cho người nhận –dù ít dù nhiều – vẫn luôn đòi hỏi sự chất chứa của những tấm lòng từ bi, bác ái, thiện cảm và đầy tính sẻ chia. Do đó, nếu từ thiện vì phòng trào, để đánh bóng tên tuổi, tô vẽ bản thân hay thể hiện vị thế xã hội thì chính người cho đã tự khước từ khả năng nhận lại sự tri ân, thậm chí, đôi khi còn tự hứng “bão dư luận”.
Và xin mượn lời của Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng tạm làm lời kết cho bài viết: “từ thiện là từ cái tâm của con người, cái tâm muốn mang đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ họ để họ có được cuộc sống tốt hơn, vui vẻ hơn. Mục đích không thể khác được đó chính là giúp đỡ người khác, câu trả lời muôn đời vẫn là vậy... Từ thiện mà màu mè, mà phô trương, khoe mẽ, thậm chí là chỉ vì bản thân mình thì đã là một hình thức biến tướng, không còn được gọi là từ thiện nữa”.
Vũ Đậu