Liên quan đến vấn đề đổi từ trạm thu phí BOT thành trạm “thu giá BOT”, PGS.TS Phạm Văn Tình nhận định, từ “thu giá” chưa xuất hiện trong bất kỳ cuốn từ điển nào...
Thời gian gần đây, khi qua các trạm BOT, người dân dễ dàng nhìn thấy tấm biển trạm thu phí biến thành “trạm thu giá”, “làn thu giá”. Nhiều người hoang mang không biết phải hiểu thế nào cho đúng về “trạm thu giá”, bản chất của “thu phí” và “thu giá” có gì khác nhau? Và, dùng từ “thu giá” có ý nghĩa gì trong tiếng Việt?
Trạm thu giá Bến Lức. |
Trước câu hỏi này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam). PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết: “Mấy ngày nay, tôi cũng nghe được cụm từ trạm “thu giá BOT”. Nghe rất lạ tai nhưng nếu phân tích kỹ thì không hề hợp lý.
Trước hết, chúng ta cần hiểu nghĩa của từng từ một. “Trạm” có nghĩa là công trình xây dựng dọc đường để thực hiện một nhiệm vụ nào đó như trạm giao liên, trạm cấp cứu, trạm xăng dầu hay là trạm liên lạc. “Thu” có nghĩa là nhận về một cái gì đấy như thu mua nông sản, thu mua lúa thóc, thu tiền… Nhưng quan trọng nhất là nằm ở chữ “phí” và chữ “giá”.
Chữ “giá” trong tiếng Việt từ trước đến nay là dùng chỉ một giá trị nào đó và được quy định bằng tiền như giá xăng, Giá dầu, giá cả. Còn “phí” là khoản phải đóng cho một dịch vụ hay công việc nào đó.
Từ phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy sự kết hợp “trạm thu phí” là hợp lý hơn cả. Nó phản ảnh đúng bản chất của vấn đề và thuận với tiếng Việt ngàn năm cho đến bây giờ”.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, sự kết hợp từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” gây ngạc nhiên. Bởi, dù có kết hợp như thế nào thì nghĩa gốc của từ phí và giá cũng không thay đổi.
PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam).
“Tất nhiên, chúng ta cũng phải bình tĩnh để xem xét vấn đề, với các dự án BOT, có thể bộ GTVT có thẩm quyền và cách thức thể hiện ngôn từ phù hợp với bản chất của vấn đề. Và đây là một thuật ngữ trong giao thông nên chưa vội phê phán.
Tuy nhiên, cách giải thích của Bộ trưởng GTVT mấy ngày nay nghe không được xuôi lắm. Khi ông cho rằng phải xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì ấn định giá. Còn “phí” thì mang tính chất Nhà nước.
Trong trường hợp này, giải thích đó chưa thỏa đáng, không phù hợp hoàn toàn với nghĩa của từ “thu giá”. Từ trước đến nay, những người sử dụng tiếng việt đều nói từ giá và phí với sự phân biệt khác nhau. Người đi đường chỉ hiểu họ dừng lại để phải nộp một khoản tiền, khoản đấy là phí và phí đó có giá trị bằng từng này. Giá đó là hiện thực hóa của phí họ phải trả", PGS.TS Phạm Văn Tình khẳng định.
Mai Hằng