Theo luật sư, với quy định pháp luật hiện hành thì "tử tù" không bị hạn chế quyền yêu cầu hiến tạng, hiến xác sau khi chết nên họ có quyền thực hiện yêu cầu này. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang áp dụng hình thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc. Vì vậy, nếu tử tù bị tiêm thuốc độc thì không thể thực hiện được thủ tục hiến xác…
Thông tin tử tù Nguyễn Hải Dương - chủ mưu gây ra vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, có ý định muốn hiến xác cho y học sau khi thi hành án tử hình đang gây chú ý từ dư luận.
Theo pháp luật hiện hành, liệu "nguyện vọng" này của Nguyễn Hải Dương có được chấp nhận đang được nhiều người quan tâm.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội dẫn Điều 5, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: "Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".
Như vậy, theo quy định này thì điều kiện để thực hiện quyền hiến xác là người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Luật sư Cường cũng dẫn thêm Điều 19, Bộ luật dân sự quy định "Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này".
“Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì tử tù Nguyễn Hải Dương đủ điều kiện để hiến tạng theo quy định tại Điều 3 của Luật hiến, lấy xác. Nói cách khác, luật không hạn chế đối tượng hiến tạng là "tử tù", người chấp hành án phạt tù. Vì vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì tử tù có quyền đăng ký hiến tạng để thực hiện sau khi thi hành án” – luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, để thực hiện quyền hiến xác thì người hiến xác có quyền bày tỏ nguyện vọng với cơ sở ý tế. Với người đang chấp hành án phạt tù thì có thể liên hệ với cơ sở cải tạo, cơ sở giam giữ để thực hiện nguyện vọng của mình.
Luật sư Cường nhấn mạnh: Với quy định pháp luật hiện hành thì "tử tù" không bị hạn chế quyền yêu cầu hiến tạng, hiến xác sau khi chết nên họ có quyền thực hiện yêu cầu này”.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang áp dụng hình thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc. Vì vậy, nếu tử tù bị tiêm thuốc độc thì không thể thực hiện được thủ tục hiến xác, nói cách khác là xác tử tù bị tiêm thuốc độc sẽ không thể sử dụng để hiến tạng, trong trường hợp này thì yêu cầu hiến tạng của tử tù sau khi chết sẽ không thể thực hiện được (trừ trường hợp áp dụng hình thức thi hành án tử hình là dùng súng bắn).
Tiểu Phương (ghi)