Bộ trưởng Cao Đức Phát đã lên tiếng xin lỗi về hành vi phát ngôn thiếu cẩn trọng của mình, dư luận có thể sẽ không còn bức xúc, nhưng Bộ trưởng đã đưa ra cam kết thì dân chúng sẽ dõi theo lộ trình "hiện thực hóa" từ lời nói tới việc làm của ông.
Vừa qua, tại phiên họp Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trước lo lắng của các đại biểu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Cao Đức Phát cho biết, "đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn".
Ngay sau phát ngôn khiến dư luận "dậy sóng", Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chính thức gửi lời xin lỗi tới nhân dân vì đã không diễn đạt rõ ràng để người dân có thể hiểu rõ ý của mình. Và sau lời xin lỗi, Bộ trưởng hứa sẽ nỗ lực thực hiện mong muốn của nhân dân là được sử dụng nguồn thực phẩm an toàn. Đồng thời, đưa ra cam kết, trong vòng 5 tháng sẽ kiểm soát được việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi; từ giờ tới cuối năm cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi thực phẩm, không còn buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật qua biên giới...
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã xin lỗi nhân dân sau sự cố phát ngôn "chưa đủ ý" của mình. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Trong khi hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang bị coi là vấn đề báo động thì lời cam kết của Bộ trưởng đã giúp người dân có thêm hy vọng về cơ hội được tiêu dùng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, đối chiếu với tình hình thực tế thời gian qua, khi việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh không được kiểm soát chặt chẽ; thực phẩm bẩn được bày bán tràn lan trên thị trường; chất cấm trong chăn nuôi đang từng ngày từng giờ đầu độc người tiêu dùng... thì dư luận có chút phân vân về lời cam kết của lãnh đạo ngành.
Bộ trưởng đã xin lỗi, dư luận chắc có thể sẽ không còn bức xúc trước sự cố phát ngôn của ông. Nhưng Bộ trưởng cũng đã hứa, thì dân chúng sẽ tiếp tục dõi theo công cuộc hiện thực hóa lời cam kết của lãnh đạo. Nếu mục tiêu về thực phẩm sạch được hoàn thành, nghĩa là Bộ trưởng đã làm tốt vai trò, trách nhiệm trên cương vị của mình. Còn mục tiêu thất bại, dân vẫn tiếp tục sống chung với thực phẩm bẩn thì họ hoàn toàn có quyền hoài nghi về cách làm việc thông qua phát ngôn của ông.
Trước đây, việc các lãnh đạo "sơ sẩy" trong phát ngôn không phải là chuyện quá hiếm. Điển hình, hồi tháng 10/2014, cố Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu đã lên tiếng đính chính thông tin, đồng thời gửi lời xin lỗi tới Chính phủ Nhật Bản sau khi phát ngôn "Nhật sẽ tài trợ 2 tỷ đô vốn ODA để xây dựng Cảng Hàng không Long Thành".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã từng phải cải chính thông tin do cấp dưới phát ngôn. Ảnh: Vietnamnet |
Trước đó không lâu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã có một phát biểu gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nói về phương hướng giải quyết nợ xấu, ông Lý nói: “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?”. Phát biểu này sau đó được đem ra "phân tích", và các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ rằng, thực chất người dân Hàn Quốc quyên góp tiền là để giúp Chính phủ trả món nợ đã vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 chứ không phải nhằm mục đích giải quyết nợ xấu. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, ông Phan Trung Lý chưa nắm rõ vấn đề nên đã phát ngôn thiếu cẩn trọng.
Cũng trong năm 2014, vào tháng 4, một lãnh đạo ngành GD-ĐT báo cáo trước Thường vụ Quốc hội đề án 34 nghìn tỷ làm sách giáo khoa nhưng chính Bộ trưởng của ngành sau đó đã phải cải chính rằng, con số này chỉ là một sự... nhầm lẫn.
Việc các lãnh đạo "sơ sẩy" trong phát ngôn có thể xuất phát từ nhiều lý do, song nếu xét theo tư duy thông thường nhất, phát ngôn còn chưa "chín" thì kết quả làm việc cuối cùng không biết sẽ ra sao?
Vũ Đậu