Nhiều năm qua, cái tên "Tịnh Thất Bồng Lai" đã khiến dư luận không khỏi bất bình. Đỉnh điểm phẫn nộ khi cơ quan chức năng đưa hàng loạt sai phạm của tụ điểm này ra ánh sáng.
Ngày 20/7, TAND huyện Đức Hòa đã tổ chức phiên tòa xét xử lại vụ án xảy ra Tịnh Thất Bồng Lai. Theo Viện Kiểm, 6 bị cáo là những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi lập, quản lý, sử dụng MXH nhằm đăng tải các nội dung để xâm phạm quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức.
Dấu chấm hết cho Tịnh Thất Bồng Lai
"Quậy đục" mạng xã hội trong thời gian dài, hành vi của nhóm người Tịnh Thất Bồng Lai khiến toàn xã hội bất bình. Sau 2 ngày diễn ra xét xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân (người cầm đầu) 5 năm tù. 3 bị cáo khác gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương cùng chịu chung mức án 4 năm tù. Trong khi đó, Lê Thanh Nhị Nguyên mức án 3,5 năm tù.
Bị cáo có mức phạt thấp nhất là Cao Thị Cúc với 3 năm tù.
6 bị cáo tại Tịnh Thất Bồng Lai đều cùng tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cái kết thỏa đáng mà HĐXX đưa ra được xem là dấu chấm hết cho màn "khua chiêng múa trống" bất chấp luật pháp của nhóm người Tịnh Thất Bồng Lai. Trên các diễn đàn, Cộng đồng mạng bày tỏ sự vui mừng khi không còn phải nhìn thấy những chiêu trò của tụ điểm này trên không gian mạng.
Khi sự ảo tưởng đòi "xóa nhòa" sức nặng của luật pháp
Trước khi tuyên án, các bị cáo đã có phần tranh luận khiến nhiều người... sốc nặng. Đáng chú ý, bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên đề cao loạt sách mà sư phụ (ông Lê Tùng Vân) viết đã dạy bị cáo này và các thành viên trong gia đình bà Cúc. Hoàn Nguyên nghĩ bộ sách sẽ đem về cho Việt Nam nhiều giải Nobel.
Bị cáo Lê Hoàn Nhất Nguyên cũng luôn miệng bày tỏ sự "thần tượng" trước loạt sách "siêu phàm" của ông Lê Tùng Vân. Bị cáo khẳng định ông Lê Tùng Vân là bậc thầy của vĩ nhân ở Việt Nam và toàn thế giới. Đồng thời tin tưởng bộ sách sẽ đạt Nobel hòa bình và các giải thế giới khác.
"Đáp lại lòng tin" của các đệ tử, ông Lê Tùng Vân cũng đã có màn "con hát mẹ khen hay" ngay trước tòa. Ông này cho rằng Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên là người tài giỏi nhưng bị... vù dập.
Sự ảo tưởng thế hiện rõ trong từng phát ngôn của các bị cáo trong phiên xét xử cuối cùng. Tuy nhiên, mọi hành vi xem thường pháp luật đều bắt buộc phải trả giá.
Nhìn qua một chút về sự việc của bà Nguyễn Phương Hằng...
Không ai có quyền phạt hay cấm con người ảo tưởng. Thế nhưng, hành vi ảo tưởng quá đà dẫn đến vi phạm pháp luật sẽ bị nghiêm trị. MXH như con dao hai lưỡi, nếu bị lôi vào giá trị ảo, rất dễ tạo nên những hành xử thiếu văn minh, thậm chí xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.
Như bà Phương Hằng và nhóm người Tịnh Thất Bồng Lai đều có lượng "fan" đông đảo, mọi động thái đăng tải lên mạng xã hội được hàng triệu người quan tâm. Cũng từ đây, họ ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, tự cho mình quyền phán xét, nói về người khác bất chấp quy định của pháp luật.
Như bà Phương Hằng, dù cơ quan chức năng công bố một số cá nhân mà bà tố cáo không có dấu hiệu phạm tội, nhưng bà vẫn tiến hành "réo tên" họ với ngôn từ phản cảm. Không phân biệt đâu là quyền tự do ngôn luận, đâu là vi phạm pháp luật. Bản thân bà Hằng lẫn Tịnh Thất Bồng Lai đã tự biến mình thành tội phạm.
Ảnh: Tổng hợp