“Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh. Hơn ai hết, chúng tôi luôn thấu hiểu và trân trọng những giá trị của hòa bình, độc lập và thống nhất cho đất nước”, tướng Trần Hanh xúc động nói.
Nhân sự kiện cả nước chuẩn bị kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2015), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Trung tướng Trần Hanh, nguyên Tư lệnh quân chủng không quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã dành cho phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin những lời chia sẻ về một số kỷ niệm trong quá trình chiến đấu cũng như nêu ra những khuyến nghị về những nhiệm vụ mà chúng ta cần làm trong thời gian tới để góp phần thiết thực vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa tới các thương bệnh binh và các anh hùng liệt sĩ.
Máu các anh đã nhuộm thắm màu cờ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống ở một làng quê Nam Định, chàng thanh niên Trần Hanh đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, gia nhập quân ngũ từ năm 17 tuổi. Trước khi được kết nạp chính thức vào Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tháng 9/1950, ông đã là chính trị viên đại đội 23 thuộc Tiểu đoàn 680, Trung đoàn 48 chủ lực mà sau này thuộc Sư đoàn 320.
Anh hùng LLVTND, Trung tướng Trần Hanh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Ảnh: Đình Tuệ). |
Trần Hanh tham gia chiến đấu hầu hết các trận đánh cùng với Sư đoàn 320 cho tới khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, miền Bắc được tiếp quản vào năm 1954. Sau đó hai năm, ông đã được cử đi học lớp đào tạo phi công lái máy bay tiêm kích MIG-17 kéo dài suốt 8 năm (từ 1956 – 1964). Trở về nước, ông được thăng quân hàm đại úy và được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 1, Trung đoàn không quân 921 – Đoàn Không quân Sao Đỏ.
Kể từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của người chiến sĩ Trần Hanh đã gắn bó mật thiết với những chiếc máy bay tiêm kích MIG-17. Biết bao chiến công đã được ông cùng với các đồng đội viết nên, góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trong miền ký ức hơn 50 năm binh nghiệp của vị tướng đã ngoại bát tuần, Trung tướng Trần Hanh không khỏi bồi hồi, xúc động khi kể lại những năm tháng chiến đấu bên đồng đội với đầy ắp những kỷ niệm không thể nào quên.
Ông kể: “Cả đời lính không quân tôi có một kỷ niệm không thể quên, đó là trận đánh đầu tiên của biên đội gồm tôi và các anh Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm tiêu diệt hai chiếc máy bay F-105 của không quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa vào ngày 4/4/1965”.
Buổi sáng hôm đó, biên đội của ông Trần Hanh được lệnh xuất kích từ sân bay Nội Bài, bay dọc theo hướng dọc dãy Trường Sơn. Vào đến Thanh Hóa thì phát hiện ra tốp gồm 24 chiếc máy bay F-105, một loại máy bay cường kích được mệnh danh là “Thần Sấm” của không lực Mỹ cùng với một phi đội máy bay tiêm kích F-100 yểm trợ phía sau.
“Lúc đấy, khi khoảng cách giữa chiếc MIG-17 của tôi với F-105 của địch chỉ khoảng 3000m, tôi đã quyết định bắn loạt đạn đầu tiên khiến địch bị bất ngờ và một tiếng nổ lớn trên bầu trời phát ra. Một chiếc “Thần Sấm” đầu tiên của Mỹ đã nổ tung, tiêu diệt được chiếc máy bay Mỹ ”, Tướng Hanh nhớ lại.
Cùng lúc đó, chiếc MIG-17 của phi công Lê Minh Huân bay sau Trần Hanh cũng đã chiến đấu ngoan cường và xuất sắc diệt thêm được một chiếc F-105 nữa cùng với một viên Đại úy phi công Mỹ.
Nói đến đây, khóe mắt của vị tướng Không quân năm nào bỗng rưng rưng, ngấn lệ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh, Liệt sĩ". |
“Sau khi tiêu diệt được 2 mục tiêu máy bay F-105 của Mỹ, địch đã cho các máy bay tiêm kích F-100 bám đuổi chúng tôi rất sát cùng với những loạt đạn phóng liên tục. Cả 4 anh em trong biên đội chúng tôi đều tập trung toàn lực, cố gắng lái vòng tránh để tránh hướng bay của những làn đạn đối phương. Tuy nhiên, 3 đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này”, vị tướng già xúc động kể.
Do chủ động dùng các động tác kéo độ cao xuống rồi lật nhào bay ngược lại với lực gia trọng lớn để tránh sự truy đuổi của máy bay địch, chiếc MIG-17 của phi công Trần Hanh sắp hết dầu đã phải bay về phía tây, hạ cánh khẩn cấp xuống bản Kè Tằm ở Quỳ Trâu, Nghệ An.
Ông chia sẻ: “Trận đánh này ta đã dùng chỉ 4 chiếc MIG-17 nhưng đã hạ được 2 chiếc F-105 của địch đã là một thắng lợi lớn. Tuy nhiên, điều mà tôi đau buồn nhất là sự ra đi của 3 người đồng đội. Biên đội Hanh, Giấy, Huân, Năm giờ chỉ còn mỗi mình tôi”.
“Máu các anh đã tô thắm lá quân kỳ và màu cờ của Tổ quốc”, Trung tướng Trần Hanh ngậm ngùi.
Biển trời Tổ quốc mãi gọi tên các anh
Được biết đến nhiều trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác đối ngoại, Trung tướng Trần Hanh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những người đồng đội, gia đình các thương binh liệt sỹ đã ngã xuống cho đất nước với những hành động rất thiết thực.
Ông luôn tâm niệm: “Mình được trở về sau những cuộc chiến đó một phần lớn là do sự che chở của đồng bào và đồng đội mình. Giá trị của hòa bình luôn được đánh đổi bằng bao nhiêu hy sinh xương máu của các chiến sĩ nơi chiến trường mới có được. Chúng ta là những người còn sống thì phải biết quý trọng và phát huy những giá trị đó”.
Đất nước giờ đã thống nhất, non sông thu về một dải nhưng đâu đó vẫn còn những cảnh bà mẹ chờ con, người vợ chờ chồng mà mãi vẫn chưa thấy bóng hình người thân. Chúng ta phải làm gì đó, nhằm bù đắp phần nào cho những sự hy sinh mất mát đó cho xứng với những gì họ đã hiến dâng cho đất nước, cho dân tộc.
Bức tranh nổi tiếng mang tên “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” của họa sĩ Bùi Lệ Trang mang ý nghĩa to lớn trong việc tri ân sự hy sinh của những người lính bảo vệ biển đảo của đất nước đã được đấu giá và toàn bộ số tiền đó được tặng lại cho gia đình của 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. |
Nhắc đến đây, ông cho rằng giờ không phải ta chỉ “ôn nghèo kể khổ” mãi nữa, mà phải nhìn vào quá khứ, soi đến hiện tại để hướng tới tương lai.
Không chỉ là những cuộc chiến trên đất liền để bảo vệ cương thổ, biết bao người con đất Việt đã phải nằm lại nơi biển khơi muôn trùng sóng dữ để giữ vững chủ quyền, độc lập quốc gia.
Liên quan tới những diễn biến ngày càng phức tạp trên Biển Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Biển Đông đang là điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. Việt Nam là một quốc gia biển nên việc gìn giữ chủ quyền trên biển chiếm một vị trí vô cùng quan trọng”.
Việc UBND tỉnh Khánh Hòa kết hợp với các đơn vị liên quan tiến hành nghi thức đặt đá khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hồi tháng 3, hay mới đây, ngày 22/7 tại Chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) đã tổ chức đại lễ cầu siêu cho anh linh của 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988 cũng nói lên được tình cảm, nguyện vọng về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
“Là một cựu chiến binh từng trải qua hai cuộc trường chinh thế kỷ, tôi hiểu rất rõ giá trị của hai chữ hòa bình”, vị tướng năm xưa nói.
Giá trị đó được đánh đổi bằng xương máu, nhiệt huyết của tuổi trẻ của bao lớp thanh niên năm xưa đã “quyết chí lên đường chẳng nề chi” vì Tổ quốc.
Ở mỗi giai đoạn khác nhau thì hình thức cũng như mức độ đấu tranh để bảo vệ chủ quyền cương thổ quốc gia của chúng ta cũng sẽ mang những đặc trưng khác nhau. Giai đoạn hiện giờ không có chỗ cho tư tưởng hiếu chiến, mà thay vào đó là xu thế đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
“Về vấn đề này, tôi tin rằng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có những đối sách và chiến lược phù hợp trong tình hình mới hiện nay để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu này”, Trung tướng Trần Hanh cho biết.
Linh hồn và thể xác của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào cùng với đất mẹ, với muôn trùng sóng vỗ nơi trùng dương xa khơi.
Xa khơi kia, biển trời Tổ quốc mãi gọi tên các anh.
Cao Tuân – Đình Tuệ