Một số trường đại học có tỉ lệ sinh viên xác nhận nhập học gần như đạt 100%
Năm nay, cả nước có 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là 567.018.
Tính đến 17h ngày 30/9, có 463.440 thí sinh trong nhóm trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống.
Ở khu vực phía Bắc, nhiều trường đại học có tỉ lệ sinh viên xác nhận nhập học gần như đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh.
TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo, Đại học Thủy lợi cho biết tỉ lệ thí sinh trúng tuyển vào trường đã xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT đạt khoảng 93%, cao hơn so với những năm trước. Những năm trước, tỉ lệ này của trường thường dao động khoảng 85-91%.
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học của trường gần 98%, năm trước là 101%. Còn tại Trường Đại học Thương mại, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đạt 98%. Trường Đại học Ngoại thương có tỉ lệ xác nhận nhập học đạt gần 100% chỉ tiêu.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Tp.HCM) cũng cho biết đã có khoảng 98,4% thí sinh hoàn thành thủ tục nhập học tại trường. Trong đó, có một thí sinh đã đóng tiền học phí cho trường rồi nhưng cũng chưa đến làm thủ tục nhập học.
Tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM), tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhập học là 94% so với số nhà trường đã gọi nhập học. Hiện trường cũng đang tìm hiểu việc 6% thí sinh không đến nhập học. Trong khi Trường đại học Công nghiệp Tp.HCM có số nhập học thực tế so với số xác nhập nhập học trên hệ thống là 98%, tức là có hơn 100 thí sinh chưa nhập học.
Hơn 100.000 thí sinh không nhập học
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cũng cho thấy toàn hệ thống có hơn 300 cơ sở đào tạo (bao gồm cả phân hiệu trường đại học và trường cao đẳng), 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng. Bộ GD&ĐT cũng cho rằng có những thời điểm có tới hàng trăm nghìn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian, việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót là không thể tránh khỏi.
Từ số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện vẫn còn trên 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học. Vì vậy, nguồn tuyển vẫn còn dồi dào cho các trường. Bộ lưu ý, những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển bổ sung, trừ một số trường hợp được lãnh đạo trường đại học cho phép. Thí sinh không trúng tuyển có thể tham gia xét tuyển bổ sung (từ tháng 10 đến 12) theo hướng dẫn của các trường đại học.
Trong hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là trên 567.000. Trong đó, hơn 3.500 thí sinh trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỉ lệ 91,4% số với số thí sinh đăng ký xét tuyển. Các năm trước, hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh ảo rất lớn, do thí sinh còn chọn các phương thức khác, mà hệ thống không kiểm soát được. Tỉ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, đến thời điểm này có thể khẳng định, tuyển sinh năm nay đã thành công. Những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch. Việc tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học năm nay đạt mức cao đã cho thấy vai trò quan trọng của việc lọc ảo. Lọc ảo giúp các cơ sở đào tạo giảm thiểu được số lượng thí sinh ảo giữa các phương thức xét tuyển và giữa các cơ sở đào tạo. Thí sinh được lựa chọn nguyện vọng đúng ngành và trường mong muốn mà không phải chịu sức ép phải xác nhận nhập học sớm.
Từ kết quả của năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm. Trên cơ sở đó, sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, hiện đã có nhiều trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung. Đơn cử như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM) vừa thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung 8 ngành đào tạo theo 2 phương thức tuyển sinh, dành thêm học bổng cho các ngành này. Thời gian nhận đăng ký và nộp hồ sơ đợt xét tuyển bổ sung từ ngày 3/10 đến hết 7/10, theo hình thức trực tiếp và chuyển phát qua đường bưu điện. Tổng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường khoảng 210 sinh viên, mỗi ngành của mỗi phương thức tối đa là 5-15 chỉ tiêu.
Vì sao nhiều thí sinh chưa đến trường nhập học?
Ông Trần Nam, Trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.HCM) cho rằng tỉ lệ gần 20% không nhập học là số lượng lớn.
Rất có thể có nhiều thí sinh trúng tuyển đại học nhưng quyết định học bậc cao đẳng vốn có thời gian học ngắn hơn, tiếp cận việc làm sớm hơn, học phí vừa phải. Một số chọn đi du học vì hiện nay việc đi du học không còn gặp những trở ngại về dịch bệnh, các quốc gia cũng áp dụng rất nhiều Chính sách thu hút du học sinh trở lại.
Cũng có nhiều trường hợp trúng tuyển nhưng quyết định đi làm vì điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn. "Trong số các nguyên nhân trên, nếu thí sinh quyết định chuyển qua học cao đẳng thì đây là tín hiệu đáng mừng vì nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề chuyên sâu đang thiếu nhiều ở nước ta. Tuy nhiên, cần thêm dữ liệu tuyển sinh từ các trường cao đẳng thì mới có thể khẳng định được giả thiết này", ông Nam nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp.HCM cho rằng: "Có thể thí sinh đậu các trường cao đẳng công lập có uy tín rồi hoặc chọn hướng đi khác. Hiện các trường đại học có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam cũng thu hút người học trong nước.
Số thí sinh lựa chọn đi du học cũng khá nhiều vì hai năm qua các em không đi du học được do dịch Covid-19, bây giờ có cơ hội thì đi. Còn lý do nữa là các bạn quá nghèo nên không có tiền để đóng học phí, số này ít thôi".
Lý giải về việc thí sinh đậu nhưng không nhập học, ông Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM cho rằng lý do đầu tiên là nhiều em đăng ký nhưng không để ý đến học phí và khi biết mình trúng tuyển và mức học phí quá cao thì cha mẹ không lo được do gia đình kinh tế khá khó khăn.
Lý do thứ hai là quy trình đăng ký, xét tuyển, xác nhận nhập học kéo dài và rườm rà nên các em đã chọn hướng đi khác (du học, học cao đẳng...). "Lý do thứ ba, theo dự đoán của tôi, là đa số các em bỏ, không xác nhận nhập học rơi vào diện trúng tuyển nhưng ở các nguyện vọng dự phòng nên các em không hứng thú đi học", ông Dũng nói.
Trong khi ông Trần Vũ, Trưởng phòng thông tin truyền thông Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM) nhìn nhận do một số thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình không mong muốn nên không nhập học.
"Thực tế vẫn có nhiều thí sinh khá chủ quan trong việc đăng ký nguyện vọng, nhiều trường hợp dù trúng tuyển nguyện vọng đặt ưu tiên hơn nhưng đó cũng không phải thực sự là nơi em muốn học và chờ xét tuyển đợt 2. Khi các em không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì tâm lý sẽ chọn nơi khác học. Ngoài chờ xét tuyển đợt 2 thì các em đã chọn bậc cao đẳng để học khi xác định mình rớt. Bên cạnh đó, còn có thí sinh trúng tuyển không biết phải xác nhận nhập học trên hệ thống", ông Vũ cho hay.
Lưu ý khi xét tuyển bổ sung đại học
Nhiều trường đại học hiện đã thông báo xét tuyển bổ sung. Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển chưa xác nhận nhập học nên nguồn tuyển vẫn còn dồi dào cho các trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu ở nhiều ngành.
Bộ GD&ĐT lưu ý những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển bổ sung, trừ một số trường hợp được lãnh đạo trường đại học cho phép. Thí sinh không trúng tuyển có thể tham gia xét tuyển bổ sung (từ tháng 10 đến tháng 12) theo hướng dẫn của các trường đại học.
Theo quy định trong quy chế tuyển sinh, điểm chuẩn xét tuyển đợt bổ sung không thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chưa thể dự báo được mức điểm chuẩn đợt này bởi còn tùy thuộc vào lượng hồ sơ và điểm của các thí sinh đăng ký xét tuyển.
Một điểm lưu ý nữa là khác với đợt 1, trong đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào phải đăng ký trực tiếp với trường đó chứ không qua hệ thống chung. Vì thế, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về chỉ tiêu, điểm "sàn" của các trường, ngành để thực hiện đúng hướng dẫn và yêu cầu của mỗi trường.
TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho hay thí sinh cần lưu ý các nội dung như về các điều kiện xét bổ sung; về thời gian xét bổ sung; về các ngành xét bổ sung và các cơ sở xét bổ sung. Đặc biệt lưu ý đến tính hợp pháp của những thông báo bổ sung của các trường.
Nếu thí sinh thuộc đối tượng đã đỗ ở 1 cơ sở nhưng không xác nhận nhập học mà muốn xét bổ sung ở cơ sở khác thì cần tư vấn kĩ từ cơ sở xét bổ sung.
Nếu thí sinh thuộc đối tượng đã đỗ ở 1 cơ sở nhưng đã xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ mà muốn xét bổ sung ở cơ sở giáo dục đại học khác thì cần phải được sự đồng ý của cơ sở đại học đã đăng ký, đỗ và xác nhận nhập học.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khuyên thí sinh dự định nộp vào trường nào cần đến tận nơi tìm hiểu hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin.
Khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, những trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung.