Sau khi có điểm thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT sẽ họp hội đồng xác định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào, làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển.
Theo Bộ GD-ĐT, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GD-ĐT sẽ phân tích xác định ngưỡng chất lượng đầu vào phù hợp để dựa vào đó các trường lên phương án xét tuyển. Ngưỡng chất lượng đầu vào là ngưỡng tối thiểu mà các trường không được phép tuyển thí sinh có kết quả thi thấp hơn.
Theo kế hoạch, hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp trong khoảng từ ngày 20/7 đến 31/7.
Ngưỡng xét tuyển ĐH 2015 được xác định theo nguyên tắc nào? |
Về nguyên tắc xác định ngưỡng xét tuyển, trao đổi trên Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: đối với các trường có đề án tự chủ tuyển sinh thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã nêu trong đề án và đã được công bố công khai.
Đối với những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì sau khi có kết quả thi, hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ sẽ họp bàn, tư vấn cho bộ trưởng quyết định ngưỡng tối thiểu để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Các trường dựa vào ngưỡng này để thông báo điều kiện xét tuyển vào các ngành khác nhau của trường mình.
"Năm 2015, các trường tự chủ đưa ra các tổ hợp xét tuyển rất đa dạng, nên việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên theo quy chế, các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để tuyển sinh theo các khối thi truyền thống.
Với kinh nghiệm xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, dựa trên phân tích phổ điểm kết quả thi của thí sinh năm ngoái, hội đồng có thể đưa ra nguyên tắc chung để các trường xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho từng tổ hợp xét tuyển khác nhau. Nguyên tắc này được xác lập dựa vào tổng điểm tối thiểu của ba môn thi", ông Ga cho biết thêm.
Ở kỳ tuyển sinh 2014 - 2015, Bộ GD - ĐT đặt ra ba mức điểm sàn làm ngưỡng cho các trường ĐH xét tuyển. Cụ thể, khối A: 17 - 14 - 13; khối A1: 17 - 14 - 13; khối B: 18 - 15 - 14; khối C: 17 - 14 - 13; khối D: 17 - 14 - 13.
Tuy nhiên, ở mùa thi THPT quốc gia năm nay, theo ghi nhận ban đầu từ các cụm thi, phổ điểm của thí sinh ở mức khá cao, chủ yếu từ 5-8 điểm. Theo đó, một số trường ĐH, nhất là các trường top đầu dự kiến, điểm trúng tuyển sẽ tăng mạnh so với những năm trước.
Trao đổi trên báo điện tử Chính phủ, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT nhận định: chắc chắn điểm chuẩn của những trường top trên, có thương hiệu lấy điểm xét tuyển đầu vào cao sẽ còn cao hơn mọi năm.
"Tôi nghĩ rằng năm nay khoa Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội sẽ phải từ 28,5 điểm hoặc khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương HN không dưới 26 điểm, trong khi năm ngoái chỉ 24-25 điểm", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, theo đánh giá của một số cụm thi như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội… năm nay các trường ở top giữa sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn do phổ điểm rải đều, số lượng bài thi từ 5-7 điểm chiếm đa số. Đợt xét tuyển nguyện vọng 1 sẽ chốt ngay khoảng 70-80%. Phần còn lại dành cho trường dưới “vét” nốt.
Theo đó, ngưỡng chuẩn đầu vào các trường top dưới năm nay sẽ còn thấp hơn mọi năm. Thậm chí nhiều trường sẽ vẫn không đủ nguồn tuyển vì có nhiều thí sinh thà lựa chọn thi lại, đi học nghề thay vì học tại những trường mà họ cho là kém chất lượng.
H.M (tổng hợp)