Nhìn con trâu, tài sản lớn nhất của gia đình bị xẻ thịt vì chết trong đợt tuyết rơi hôm 25/1, ông Nhất không cầm được nước mắt.
Vùng núi Phia Hoắc, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng nơi 3 ngày trước tuyết phủ trắng như tiết trời châu Âu. Nhiệt độ hôm nay đã nhích lên đôi chút, tuy nhiên vẫn buốt lạnh đặc trưng của mùa đông miền núi.
Tuyết rơi nhiệt độ giảm sâu, toàn huyện Nguyên Bình có 112 con trâu, bò chết rét. Ảnh Báo Cao Bằng |
Tuyết tan khiến nước chảy róc rách từ những khe đồi xuống ta luy bên đường. Tuyết tan chảy lạnh buốt, cùng với đó là vị mặn - đắng của nước mắt bà con vùng núi cao Nguyên Bình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Phồn Chủ tịch huyện cho biết, đợt rét vừa rồi nhiệt độ xuống đến âm 4 độ C, rét kỷ lục trong mấy chục năm vừa qua.
Còn ông Duyệt, trưởng phòng nông nghiệp huyện cầm trên tay tờ báo cáo thiệt hại tính đến hôm 27/1, toàn huyện có 112 trâu bò chết rét.
Trên đường đi vào vùng núi Phia Hoắc, chúng tôi giật mình dừng xe bởi khe nước nhỏ nhuốm đỏ màu máu. Chạy ngược dòng nước lên phía đầu nguồn, khuất sau mé đồi cách đường cái 200m có một nhóm người đang hì hụi bên bờ suối.
Ông Nhất thất thần nhìn 2 người con xẻ thịt con trâu bị chết rét. |
Lại gần chúng tôi mới biết họ đang thịt trâu. Con trâu nặng cả tạ, hơn 3 tuổi nằm một đống, thịt thâm đỏ bên bờ suối. Máu nó chảy xuống nước nhuốm đỏ cả khe nước nhỏ.
Đôi mắt đượm buồn, ông Triệu Nhân Nhất (57 tuổi, thôn Nà Lẹng, xã Quang Thành) nói: “Con trâu chết hôm qua, lạnh quá nó không chịu được.”
Tay dao kéo, 2 người con trai ông Nhất nhanh chóng lột da, xẻ thịt rồi làm nội tạng "gia sản" của mình.
"Nếu còn khỏe mạnh, con trâu cũng bán được khoảng 10 triệu đồng.Chết thế này bán thịt được 2 triệu là may lắm rồi", anh con cả ông Nhất nói. |
Anh con cả tiu ngỉu: “Bình thường thị trâu, bò, gà, lợn thì vui vì sắp được nhắm rượu. Thịt như thế này (trâu chết rét-PV) chỉ muốn khóc.”
Anh cho biết, phải làm nhanh để thịt còn tươi, mang ra chợ bán mới được giá, chứ càng để lâu thì càng mất giá, có khi còn chẳng có ai mua. Cả tạ thịt nhanh chóng được mấy cha con ông Nhất phân loại, rửa sạch nhét vào bao tải, chất lên chiếc xe “Wave Tàu” cà tang nhưng là tài sản lớn thứ 2 sau mấy con trâu của gia đình.
"Từ nhà ra chợ thị trấn cũng phải 20 km, ra bán đến tối may ra thì hết" anh con cả tâm sự.
Ngậm ngùi nhìn mấy đứa con xẻ thịt con trâu mà chỉ một năm nữa thôi, nó sẽ là sức kéo chính, xới tung đất trên những thửa ruộng bậc thang vắt vẻo trên sườn đồi. Ông Nhất châm điếu thuốc, tay run run không bật nổi chiếc quẹt lửa.
Ông kể, gia sản có mỗi 3 con trâu, giờ chết mất 1 con rồi. Chuẩn bị mang thịt ra chợ bán mà mấy bố con ông Nhất cũng chẳng biết giá thịt trâu hiện giờ bao nhiêu, và ra bán thì sẽ bán bao nhiêu.
"Có bao giờ được ăn đâu mà biết" ông Nhất nói.
Thời tiết khắc nghiệt khiến những chú trâu non không khỏi chết rét. |
Cách đó không xa là gia đình ông Triệu Nhất Lý (1964, bản Nà Lẹng), đợt rét vừa rồi ông cũng mất 2 con trâu. Một con nặng hơn 1 tạ (4 tuổi) một con trâu ghé cũng xấp xỉ 90 kg.
"Tuyết rơi lạnh quá, trâu không chịu nổi chết ngay hôm tuyết rơi. Trước tết có người hỏi mua con trâu to 15 triệu, tôi không bán. Vì chỉ ra tết thôi là nó cày được rồi. Còn con ghé bán đi cũng được 5-6 triệu. Giờ chết cả rồi." ông Lý buồn.
Ông kể: Hôm trước, tuyết phủ trắng khắp nơi, mọi người chẳng ai ra khỏi nhà, chỉ quây quanh bếp, đốt lửa sưởi cho đỡ rét. Chuồng trâu cũng được quây bạt, đóng ván kín mà trâu vẫn không chịu được.
Ngày hôm sau, Mưa tuyết ko còn rơi nhưng trời thì rét buốt, mưa phùn. Ông Lý cùng người nhà đội mưa ra khe nước xẻ thịt 2 con trâu chết rét mang ra chợ bán. 2 con trâu được hơn tạ thịt, bán được có 4 triệu đồng. Cầm tiền trong tay mà ông Lý rơi nước mắt.
Ngược trở ra chợ huyện, sắc hoa mận hoa đào đang mang tết đến gần. Người dân thị trấn cũng nô nức mua sắm trong ngày chợ phiên, chuẩn bị cho tết Bính Thân đầm ấm. Với nhiều người, xuân đã rộn ràng khắp nơi, tết đến gần lắm rồi. Nhưng với ông Nhất ông Lý, có lẽ “tết còn xa lắm.”
Đức Thuận