Từng nợ một số nợ khổng lồ (hơn một tỷ USD), nhưng ông đã tìm mọi cách trả hết nợ nần và lội ngược dòng trở lại danh sách tỷ phú của Forbes năm nay.
Thor Bjorgolfsson- vị tỷ phú giàu nhất Iceland |
Đó là Thor Bjorgolfsson, được biết đến là chủ sở hữu ngân hàng lớn Landsbanki của đảo quốc Iceland. Ông từng mất chưa tới 10 năm đã lọt vào top 250 người giàu nhất thế giới. Ông sở hữu nhiều công ty trên khắp thế giới, từ Bulgaria cho tới Mỹ. Ông giao thiệp với những người quyền lực và nổi tiếng nhất, cũng như ông luôn có một cuộc sống xa xỉ.
Bjorgolfsson là con cháu một dòng họ hiển hách. Cụ của ông - Thor Jensen, đã qua hai lần phá sản và cuối cùng trở thành một trong những địa chủ giàu có nhất Iceland. Con trai của cụ, người làm Thủ tướng, người thì là đại sứ Iceland ở Mỹ. Còn cha của Bjorgolfsson điều hành công ty vận tải lớn thứ hai Iceland - Hafskip.
Thập niên 90, ông tới Nga và thành lập một doanh nghiệp nước giải khát. Kể cả trong giai đoạn khó khăn khi Liên Xô sụp đổ, họ vẫn rất thành công. Bjorgolfsson đã bán công ty của mình cho Heineken vào năm 2002 với giá 100 triệu USD.
Cũng năm đó, ông trở về Iceland và cùng cha mình mua 46% cổ phần Landsbanki. Ai cũng cho rằng họ đã dùng số tiền kiếm được từ Nga. Nhưng thực ra, họ vay tiền từ một ngân hàng đối thủ. Chẳng ai ngờ Bjorgolfsson, người có lúc điều hành tới 40 công ty, lại từng là một người nghiện vay nợ để kinh doanh.
Năm 2007, ông tiến hành thương vụ lớn nhất đời, là mua lại hãng dược phẩm Actavis với giá 6,5 tỷ USD. Khi ấy, bong bóng tín dụng đang lên đỉnh điểm, các ngân hàng đua nhau cho ông vay tiền.
Nhưng không may khi Actavis vướng vào rắc rối pháp lý với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), phải thu hồi tất cả các sản phẩm được sản xuất tại một nhà máy ở New Jersey (Mỹ) hè năm 2008. CEO Actavis - Robert Wessman phải từ chức. Trong tình thế đó, Bjorgolfsson đã vay 230 triệu USD từ chính ngân hàng của mình - Landsbanki. Khoản tiền cuối cùng trong số này về tay ông ngày 30/9/2008, vài ngày trước khi Iceland rơi vào khủng hoảng.
Nhưng không ai ngờ chính ông lại phải trải qua một thời kỳ cực kỳ đen tối. Vào ngày 3/10/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan tới quốc đảo này. Chính phủ Iceland đã phải quốc hữu hóa một trong những nhà băng lớn nhất nước này, sau đó nhà băng lớn thứ nhì Landsbanki cũng bắt đầu sụp đổ.
Chính khoản tiền này được xem như là hành động làm suy yếu Landsbanki trong những ngày cuối cùng, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế Iceland.
Số cổ phần của Bjorgolfsson trong các doanh nghiệp sau đó rất nhanh chóng bốc hơi. Trong đó có cổ phần tại 4 công ty trị giá 1,8 tỷ USD trước khủng hoảng. Ông còn bị mắc kẹt với khoản nợ 350 triệu USD của cha mình mà ông phải đứng ra bảo lãnh sau khi người cha phá sản năm 2009.
Chỉ trong vòng 72 giờ, Chính phủ đã tiếp quản ngân hàng của ông Bjorgolfsson. Vài ngày sau, cả đất nước Iceland gần như phá sản khi đồng nội tệ lao dốc không phanh còn sàn chứng khoán thì phải tạm thời đóng cửa. Hàng ngàn người Iceland mất việc và tay trắng. Ngay lúc này Bjorgolfsson lập tức trở thành trung tâm của mọi sự chỉ trích. Người ta cho rằng ông chính là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nước này.
Đây là thời điểm khó khăn nhất của ông khi không thể có một nơi trú ngụ trong chính đất nước 320.000 người của mình. Căn nhà của ông thì bị sơn vẽ chằng chịt, còn chiếc Hummer thì bị đổ hết sơn đỏ lên trên.
Những chủ nợ của ông rất giận dữ, số nợ mà công ty ông mắc nợ tới 10 tỷ USD. Khối tài sản cá nhân 3,5 tỷ USD cũng gần như tiêu biến. Số tài sản của ông trong thời kỳ khủng hoảng gần như bằng 0.
Tháng 7/2010, 100 người gồm luật sư, chuyên gia tư vấn, ngân hàng và cố vấn tài chính đại diện cho 7 chủ nợ của Bjorgolfsson đã tập trung ở London (Anh) để cùng tái cấu trúc các khoản nợ cá nhân của ông.
Sau đó, các ngân hàng đã tịch thu hai căn nhà của ông. Còn phi cơ, du thuyền và Xe Ferrari của Bjorgolfsson được đề nghị bán. Nhưng tổng giá trị của chúng mới đạt 15 triệu USD, kém xa khoản nợ một tỷ USD của ông. Số còn lại sẽ được thanh toán bằng cổ tức của Bjorgolfsson ở Actavis và Play, hoặc khoản tiền nếu ông bán số cổ phần tại đây. Quan trọng là Bjorgolfsson cũng đã thương lượng được ông cũng sẽ hưởng một phần nhỏ từ những khoản trên.
Đến thời kỳ nền kinh tế thế giới ì ạch phục hồi sau khủng hoảng, Iceland đã bật dậy một cách thần kỳ. GDP tăng vọt ở 3% những năm gần đây, còn lạm phát và thất nghiệp cũng đi xuống.
Không tách ra khỏi dòng vận động đi lên của cả quốc gia, Bjorgolfsson đã trở lại thương trường. Ở tuổi 48, ông đã quay trở lại danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes từ con số 0.
Năm 2011, một cuộc gọi từ người bạn cũ - Siggi Olafsson đã đánh dấu sự trở lại của Bjorgolfsson. Olafsson từng là CEO Actavis giai đoạn 2008- 2010, nhưng sau đó đã chuyển tới làm việc cho hãng dược phẩm Watson. Olafsson và sếp của mình - CEO Paul Bisaro, có ý định sáp nhập với Actavis. Ông hy vọng Bjorgolfsson có thể thay đổi tình hình khó khăn lúc bấy giờ.
Tháng 10/2012, Watson mua lại Actavis với giá gần 6 tỷ USD và lấy tên mới là Actavis. Các chủ nợ của Bjorgolfsson cũng được hoàn khoản nợ đầu tiên trị giá 230 triệu USD. Bjorgolfsson đã dồn toàn bộ số tiền mình có để mua 4,3 triệu cổ phiếu của Actavis. Số cổ phiếu đó hiện có giá 700 triệu USD và đã giúp ông trả nốt 330 triệu USD còn lại vào năm 2014. Tới giữa năm 2014, ông đã hoàn toàn sạch nợ và hiện có khối tài sản trị giá 1,3 tỷ USD.
Bjorgolfsson đã tự hứa sẽ luôn ghi nhớ bài học từ lần phá sản đầu tiên. Ông tuyệt đối sẽ không vay nợ bừa bãi, tập trung vào những lĩnh vực mình hiểu rõ như viễn thông và dược phẩm, và sẽ cố gắng đầu tư cùng các đối tác.
Dù vậy, tháng 1/2015, Bjorgolfsson lại mua 92% cổ phần hãng viễn thông nhỏ nhất Chile - Nextel Chile. Và ông đã vay 60 triệu USD - khoản vay đầu tiên trong vòng bảy năm với tài sản đảm bảo là cổ phần trong Actavis, để đầu tư vào đó.
Hoài An (tổng hợp)