Thomas Persson là cái tên trẻ nhất trong danh sách thừa kế thương hiệu H&M. Hiện tại, anh sở hữu khối tài sản 2,8 tỷ USD.
Thương hiệu thời trang hàng hiệu giá rẻ H&M nổi tiếng trên khắp thế giới. Những câu chuyện xoay quanh thương hiệu H&M luộn nhận được sự quan tâm của dư luận. Một trong số đó là câu hỏi: ai sẽ là người thừa kế lại thương hiệu thời trang thế giới này ?
Câu hỏi đã được trả lời bởi tạp chí Forbes, theo đó anh Thomas Persson, người con trai thứ hai của CEO H&M- ông Stefan Persson, và là cháu trai của nhà sáng lập nhãn hàng H&M-ông Erling Persson. Anh sinh năm 1985, tính đến thời điểm nay, anh là người trẻ nhất có tên trong danh sách thừa kế đế chế H&M.
Tỷ phú trẻ Thomas Persson là người thừa kế đế chế thời trang H&M. Ảnh: Internet |
Trước đó, Wealth-X cũng từng đưa một số thông tin liên quan đến Thomas, anh tốt nghiệp trường Met Film tại London, Anh vào năm 2014. Sau khi ra trường anh làm việc như một ca sỹ. Bên cạnh đó anh còn đứng tên sở hữu công ty chuyên đầu tư sản xuất phim truyện tại Stockholm, Thụy Điển. Không những vậy, Thomas còn là ông chủ trẻ của Viện phim và nghệ thuật ở thủ đô Thụy Điển.
Đóng vai trò là CEO và đồng sở hữu cơ sở sản xuất phim nên Thomas đều tham gia vào các công đoạn sản xuất như tổ chức, quản lý, tiếp thị và tài trợ các dự án phim, nhiếp ảnh, triển lãm,…
Tuy nhiên, công việc nghệ thuật này không giúp anh kiếm được khối tài sản tỷ đô hay một cuộc sống xa hoa, phú quý. Phần lớn tài sản mà anh sở hữu đến từ phần thừa kế từ người ông đã quá cố.
Đến nay, 30 tuổi, anh trở thành một cổ đông của H&M, với số tài sản trị giá khoảng 2,8 tỷ USD, theo ước tính của Forbes. Trong khi đó, cha anh, ông Stefan Persson là người giàu nhất Thụy Điển sở hữu 22,7 tỷ USD.
H&M đã nổi tiếng trên thị trường thời trang khắp thế giới. Theo Business Insider, người ông quá cố Erling Person đã thành lập H&M từ những năm 1947 tại Vaesteras (Thụy Điển). H&M ban đầu chỉ là một cửa hàng nhỏ bán quần áo và vải vóc. Ý tưởng kinh doanh giá rẻ đến với Erling trong một lần ông đến Mỹ, tại đây ông được tận mắt chứng kiến một cửa hàng bán giá rẻ và có lượng khách hàng rất đông.
Từ đó, phương pháp kinh doanh giá rẻ đã được ông phát triển tại Thụy Điển và nhanh chóng đạt được thành công. Đến năm 1968, để mở rộng kinh doanh, ông mua lại hãng Maurtiz Widforss- hãng chuyên may quần áo cho thợ săn. Từ đó, H&M bán cả quần áo nữ giới và nam giới.
Ngày nay, H&M đã mở rộng chi nhanh bán hàng tại một số nước trên thế giới. Họ có đội ngũ thiết kế trực thuộc tại văn phòng Thụy Điển, họ phụ trách kiểm soát các bước từ lập kế hoạch sản xuất hàng hóa đến quản lý thông số kỹ thuật.
Riêng khâu sản xuất của H&M, thương hiệu này không sở hữu các nhà máy sản xuất mà giao cho khoảng 800 nhà máy ở châu Âu và châu Á.
Đến tháng 5/2015, H&M có số vốn hóa thị trường lên đến gần 70 tỷ USD. Nó trở thành một trong 33 thương hiệu giá trị nhất thế giới. Công ty có hơn 100.000 nhân viên trên toàn thế giới. Mỗi năm thu về doanh số bán hàng khoảng 23 tỷ USD.
Hoài An (tổng hợp)