Sự ủng hộ của Nga đối với ông Kim Jong Un ở Triều Tiên cũng tương tự như những gì Moscow đang làm với ông Assad ở Syria.
Sự ủng hộ lặng lẽ của Nga
Quan hệ kinh tế của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng vẫn vượt trội hơn hẳn Moscow và Trung Quốc vẫn là một nhân tố uy lực trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đang thành hình. Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh cắt giảm các hoạt động thương mại thì Nga lại gia tăng sự ủng hộ.
Theo Reuters, sở dĩ Nga làm như vậy là để cản trở bất cứ nỗ lực nào nhằm lật đổ ông Kim Jong Un mà Mỹ thúc đẩy.
Moscow lặng lẽ "mở một con đường sống" để giúp đỡ Triều Tiên trong bối cảnh nước này bị cô lập về kinh tế.
Tháng này, một công ty của Nga bắt đầu mở đường truyền internet cho Bình Nhưỡng, tạo cơ hội cho nước này kết nối với thế giới bên ngoài. Thương mại song phương Nga - Triều Tiên tăng gấp đôi, lên tới 31,4 triệu USD trong quý I 2017, chủ yếu là do xuất khẩu các sản phẩm dầu khí.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sử dụng máy vi tính. Ảnh: Reuters/KCNA |
Nguồn tin của Reuters cho hay, chỉ trong năm nay, đã có ít nhất 8 tàu Triều Tiên rời cảng Nga, đem theo các lô hàng nhiên liệu trở về nhà, mặc dù đăng ký điểm đến ở những nơi khác. Giới chức Mỹ cho rằng đây là một chiêu lách cấm vận của Bình Nhưỡng.
"Điện Kremlin tin rằng lãnh đạo Triều Tiên đang cần được đảm bảo và có thêm lòng tin rằng Mỹ sẽ không nhúng tay nhằm thay đổi chế độ [của Triều Tiên]", Andrey Kortunov, giám đốc trung tâm phân tích Hội đồng Ngoại vụ Nga nhận định.
"Viễn cảnh thay đổi chế độ là một mối lo ngại thực sự. Điện Kremlin hiểu rằng Tổng thống Trump rất khó đoán. Họ cảm thấy an tâm hơn với Barack Obama. Họ tin rằng ông Obama sẽ không có những hành động bất ngờ, nhưng ông Trump thì họ không rõ".
Dù lên án hoạt động thử tên lửa của Bình Nhưỡng nhưng lãnh đạo Nga cũng bày tỏ rằng, ông hiểu mối lo ngại về an ninh của Triều Tiên trước Mỹ và Hàn Quốc, cũng như nỗi bất an của Mỹ.
"Người Triều Tiên biết chính xác tình huống đã diễn biến như thế nào ở Iraq", ông Putin ám chỉ tới việc Mỹ bịa ra cái cớ Baghdad sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để hạ bệ lãnh đạo của nước này, "Họ biết tất cả chuyện đó và nghĩ rằng, sở hữu vũ khí hạt nhân cùng công nghệ tên lửa là cách tự vệ duy nhất. Các bạn nghĩ họ sẽ từ bỏ ư?"
Mặc dù có những động thái bảo vệ Triều Tiên nhưng Nga vẫn ủng hộ phương án gia tăng cấm vận của Liên Hợp Quốc. Theo đánh giá của các nhà phân tích, Nga cho rằng việc Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân, dù không toàn diện, là chuyện sẽ xảy ra và không thể đảo ngược.
Biên giới chiến lược
Mặc dù Moscow muốn cải thiện quan hệ với Washington nhưng cơ bản, Moscow vẫn phản đối mạnh mẽ hành động mà nước này cho là Mỹ đang can thiệp vào nội bộ của quốc gia khác.
Nga vốn không hài lòng khi lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu tập trung quân ở biên giới phía Tây của nước này với châu Âu. Nga không muốn chuyện tương tự xảy ra ở biên giới với châu Á. Nga lo sợ rằng, chính quyền Triều Tiên thay đổi sẽ dẫn tới mất cân bằng quyền lực ở khu vực và tạo điều kiện cho Mỹ đưa quân tới sát biên giới phía Đông của Nga.
Biên giới giữa Nga và Triều Tiên ở khu vực Tumangan, Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Các chính trị gia Nga đã nhiều lần cáo buộc Mỹ âm mưu thực hiện những cuộc cách mạng màu tại các vùng lãnh thổ của Liên Xô cũ. Bất cứ cuộc trao đổi nào của Mỹ về việc bãi nhiệm bất cứ lãnh đạo nào vì bất cứ lý do gì cũng được coi là nguy hiểm ở Nga.
Ông Putin từng nói rõ rằng, ông muốn nước Mỹ để cho ông Kim Jong Un được yên.
Theo ông Kortunov, sự bảo vệ này không xuất phát từ tình cảm cá nhân hay thể hiện sự ủng hộ đối với lãnh đạo Triều Tiên.
Kỳ thực, Nga tin rằng: Hiện trạng sẽ giúp Nga trở thành một nhân tố địa chính trị quan trọng trong cuộc khủng hoảng bởi mối quan hệ thân thiết của nước này với Bình Nhưỡng. Điều này tương tự như mối quan hệ giữa Nga và Tổng thống Assad ở Syria trong bối cảnh chính trị của Trung Đông.
Moscow biết mình sẽ mất đi vị thế và tầm ảnh hưởng ở khu vực nếu ông Kim Jong Un hoặc ông Assad bị lật đổ.
"Đó là một động thái giữ cân bằng rất tinh tế", ông Kortunov nhận định.