Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã bị thiệt hại 800 tỷ đồng vì hành vi trái pháp luật của nguyên Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng, khi chỉ đạo "cấp dưới" liên tục góp vốn bổ sung vào Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ góp vốn duy trì ở mức 20%.
Với một loạt các sai phạm của ông Đinh La Thăng và đồng phạm gây thiệt hại như trên, ngày 19/3, các bị can sẽ bị đưa ra xét xử tại TAND TP.Hà Nội về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, theo truy tố của VKSND Tối cao, xuất phát từ việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt nên bị cáo Đinh La Thăng, khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sự (Phó Tổng giám đốc PVN) và Nguyễn Xuân Sơn (Trưởng ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt) làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa hồi đầu tháng 1/2018 |
Thời điểm đó, Oceanbank đang có nhu cầu tăng vốn điều lệ để hoạt động nên Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch ngân hàng Đại Dương đã đồng ý đề nghị của Nguyễn Xuân Sơn.
Các bên nhanh chóng có buổi ngồi lại thống nhất thỏa thuận việc PVN tham gia góp vốn khi Oceanbank, tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008.
Theo tiến trình, sau khi làm việc với đại diện Oceanbank, Nguyễn Ngọc Sự đã báo cáo kết quả đàm phán với Hà Văn Thắm cho ông Đinh La Thăng, kèm theo báo cáo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của Oceanbank, trong đó có nêu: “…nhìn tổng thể đến 31/3/2008, ngân hàng TMCP Đại Dương là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp;… trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Oceanbank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng… Ngân hàng TPCP Đại Dương thuộc nhóm TCTD có xếp hạng trung bình khá trong số các ngân hàng thương mại cổ phần”.
Bản thân vị cựu Chủ tịch HĐQT PVN biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank, nhưng đã không đưa ra bàn bạc, thảo luận và xin ý kiến của HĐQT mà đã ký Thỏa thuận số 6934/TTHT-PETROVIETNAM&OCEANBANK với Hà Văn Thắm để PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank theo các nội dung hai bên đã thống nhất. Sau khi đã ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm, đến ngày 22/9/2008, ông Đinh La Thăng có bút phê “xin ý kiến các TV HĐQT” trên văn bản số 140B/CVNB-NNS ngày 18/9/2008 của Nguyễn Ngọc Sự.
Ngày 30/9/2008, trong cuộc họp HĐQT của PVN do ông Đinh La Thăng chủ trì, và các thành viên gồm Trần Ngọc Cảnh – Tổng Giám đốc, các thành viên HĐQT gồm: Phan Thị Hòa, Hoàng Xuân Hùng, Đỗ Văn Đạo, Nguyễn Ngọc Sự, Nguyễn Xuân Sơn cùng tham dự. Ngoài những nội dung khác, Nguyễn Xuân Sơn có báo cáo việc Oceanbank mời PVN tham gia góp vốn, PVN góp 20%, cán bộ công nhân viên góp 10%. Thời điểm này, các thành viên HĐQT mới biết được việc PVN có chủ trương góp vốn vào Oceanbank.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác số 6934/TTHT ngày 18/9/2008 giữa PVN và Oceanbank, cựu Chủ tịch HĐQT cũng không tuân thủ các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần chỉ đạo cấp dưới góp vốn vào Oceanbank. Tổng cộng số vốn góp của 3 lần lên tới 800 tỷ đồng để phù hợp với mỗi giai đoạn ngân hàng Đại Dương tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc đảm bảo PVN luôn giữ vững vị trí, vai trò cổ đông chiến lược trong Oceanbank với 20% vốn góp.
Tuy nhiên, ngân hàng Đại Dương đã không hoạt động như kỳ vọng của các cựu quan chức PVN mà liên tục làm ăn thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại ngân hàng Oceanbank với giá 0 đồng.
Trên cơ sở đó, VKSND Tối cao nhận định để gây ra hậu quả, thiệt hại 800 tỷ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cổ đông liên quan là do các hành vi vi phạm pháp luật của ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN; Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm đều là nguyên thành viên HĐTV PVN; Phan Đình Đức, thành viên HĐQT/HĐTV PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN trong giai đoạn 2008 – 2011 đã làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước nên VKSND Tối cao truy tố các bị cáo ra trước Tòa án là có căn cứ pháp luật.
Tư Viễn