Do ảnh hưởng của bão số 2 (cơn bão Nida), trong những ngày qua mưa lớn xảy ra tại tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, đêm ngày 4/8 lũ từ đầu nguồn đổ về, nhấn chìm nhiều nơi ở Lao Cai, khiến 11 người chết và mất tích.
Theo báo Lào Cai, tại thành phố Lào Cai do lũ từ đầu nguồn suối Ngòi Đum và suối Đôi đổ về ngập sâu ở phường Kim Tân, và phường Nam Cường. Cụ thể, trên 50 nhà dân ở phường Kim Tân, và 6 nhà dân ở phường Nam Cường bị ngập sâu. Do lũ về bất ngờ, lại vào đêm tối nên người dân đã không kịp sơ tán tài sản.[mecloud]HoGfoejUKW[/mecloud]
Trong khi đó, do lũ từ nguồn suối Phìn Ngan đổ về, nên nhiều hộ dân ở huyện Bát Xát bị ngập sâu. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 4D (thành phố Lào Cai đi Sa Pa) và tuyến đường từ thành phố Lào Cai đi huyện Bát Xát đã bị chia cắt hoàn toàn do nước lũ dâng cao.
Lũ quét, sạt lở đất ở Lào Cai đã khiến 11 người chết và mất tích.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cũng vừa phát đi cảnh báo về tình hình bão lũ, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc.
Lũ cuốn trôi cầu treo ở Lào Cai. Ảnh báo Lào Cai |
Cụ thể, từ 19 giờ đến 7 giờ ngày 5/8, khu vực vùng núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to. Một số nơi có lượng mưa lớn như: Na Hừ (Lai Châu) 60 mm, Bát Xát (Lào Cai) 150 mm, Phú Thọ (Phú Thọ) 80 mm…Mực nước trên sông Chảy tại Bảo Yên đã đạt đỉnh ở mức 73,32 m, trên báo động (BĐ) 2: 0,32 m lúc 21 giờ ngày 4/8; trên sông Lô tại Hà Giang ở mức 99,10 m, trên BĐ 1: 0,10 m lúc 20 giờ ngày 4/8. Mực nước sông Thao tại Lào Cai đang lên nhanh. Lúc 8 giờ ngày 4/8, mực nước tại Lào Cai ở mức 80,74 m (trên BĐ 1: 0,74 m).
Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước sông Thao tại Lào Cai sẽ xuống chậm và đạt mức 80,0 m, mức BĐ 1 vào trưa ngày 5/8; mực nước sông Chảy tại Bảo Yên sẽ lên lại và đạt đỉnh ở mức 73,4 m, trên mức BĐ 2: 0,40 m vào trưa ngày 5/8 sau đó xuống chậm.
Dự báo trong 24 giờ tới, mực nước sông Thao tại Yên Bái sẽ lên nhanh và đạt đỉnh ở mức 30,4 m, trên mức BĐ 1: 0,40 m vào sáng ngày 6/8 sau đó xuống chậm.
Cảnh báo lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất và ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ, Lai Châu), Sơn La, Điện Biên, Lào Cai (nguy cơ đặc biệt cao tại thành phố Lào Cai và các huyện Văn Bàn, Sapa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Bắc Yên), Yên Bái (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Văn Yên, Mù Cang Chải), Hà Giang (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần), Tuyên Quang.
H.Yên (Tổng hợp)