Đó là những trải lòng của bà Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế khi chia sẻ với phóng viên Người đưa tin.
Hiệp định TPP có hiệu lực và những vấn đề xoay quanh hiệp định này luôn là đề tài nóng hổi thu hút sự quan tâm của thanh niên, người lao động lẫn doanh nghiệp lớn nhỏ trong cả nước. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn trực tiếp với bà Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế để nghe bà chia sẻ về những câu chuyện xoay quanh vấn đề này.
PV: Có ý kiến cho rằng, gia nhập TPP thì Việt Nam nên bỏ Tết cổ truyền vì ngày lễ này tốn thời gian và tiền bạc. Cụ thể, trong khi các nước trong khối hoặc các quốc gia khác chỉ nghỉ Tết Dương lịch từ 1- 2 ngày thì ngày lễ cổ truyền nước ta nghỉ đến 8 ngày. Sau 8 ngày thì người lao động vẫn “chưa muốn” đi làm và “kéo dài sự ăn chơi” cho đến hết tháng trong khi doanh nghiệp thì vẫn phải trả lương cho những ngày “nhàn nhã” hậu Tết của người lao động. Bà đánh giá vấn đề này như thế nào?
Đối với vấn đề này đã có nhiều doanh nghiệp và chuyên gia nêu ý kiến đề nghị gộp chung Tết Dương lịch và Âm lịch. Đối với những người có quan điểm cần bảo tồn văn hóa truyền thống thì họ vẫn cho rằng Tết cổ truyền nên được gìn giữ. Đặc biệt là đối với ngành du lịch, nhiều dịch vụ có thể khai thác mảng này để phát triển và mang về lợi nhuận, tăng trưởng GDP cho ngành du lịch Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế. |
Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng tôi thì người Việt Nam mình nghèo nhưng chơi vẫn sang. Khi Nhà nước có kế hoạch cho nghỉ ngày thứ 7 thì nhiều người cho rằng nghỉ ngày thứ 7 và chủ nhật để tạo sự kích cầu. Bởi khi người tiêu dùng có nhu cầu ăn, tiêu xài, mua sắm thường rơi vào ngày này, từ đó tạo ra nhu cầu của thị trường, kích thích sản xuất, sẽ tạo thêm công việc làm, góp phần phát triển kinh tế hàng hóa, phát triển xã hội, đó cũng là ý hay.
Tuy nhiên, những năm vừa qua, nền kinh tế của chúng ta từng bị ảnh hưởng nhiều đợt khủng hoảng về tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, dẫn đến sức mua trên thị trường giảm, nhu cầu giảm thì cung giảm, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhiều người lao động mất việc làm, các khó khăn trong nền kinh tế kéo dài, thậm chí gần đây còn có những ngân hàng bị mua lại giá 0 đồng, nhưng người Việt mình vẫn ham chơi, ham tiêu dùng và bây giờ sinh thêm một thói hư trong những ngày tết là mê tín dị đoan.
PV: Liệu rằng gia nhập TPP có thể trở thành nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp ngoại dễ thâu tóm doanh nghiệp trong nước khi các rào cản liên quan đến thương mại gần như được gỡ bỏ?
Trong thương trường luôn có câu chuyện cá lớn nuốt cá bé nhưng cũng có những trường hợp cá bé tách ra lại trở thành cá lớn và đi ra biển khơi nên ai giỏi, khôn ngoan thì vẫn thắng, ai dỡ hơn thì đành phải chấp nhận.
PV: Doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hiểu biết về pháp lý như thế nào? Những doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì để không bị đào thải khi bước vào cánh cửa hội nhập?
Trong một nền kinh tế thị trường thì sẽ có những doanh nghiệp phát triển theo hướng đi lên hoặc mở rộng, sẽ có những doanh nghiệp không thể cạnh tranh, đi xuống và thậm chí còn có những doanh nghiệp bị mua lại. Đó là khả năng về trí tuệ, khả năng về thông tin kinh tế, khả năng về hợp tác, quan hệ.
Trước đây, doanh nghiệp thường đặt nặng các vấn đề liên quan đến đầu tư phần cứng như nhà xưởng, trang thiết bị. Nhưng bây giờ có những sản phẩm mới bắt nguồn từ công nghệ cao liên quan đến phần mềm nhiều hơn. Phần mềm đó là trí tuệ, những hệ thống marketing online, hệ thống làm ra những sản phẩm bắt mắt, sáng tạo có thể khiến cho người khác muốn mua. Do đó, để tránh vấn đề đào thải thì mình phải nâng cao học hỏi, khai thác kinh nghiệm từ những thành tựu khoa học của thế giới.
Vấn đề pháp lý hội nhập kinh tế quốc tế thường rất phức tạp. Hội nhập và các định chế thương mại cho phép doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở nơi thích hợp. Ví dụ thương hiệu Jockey của Mỹ sản xuất ở Việt Nam, có thể gia công ở Cambodia vẫn gắn nhãn hiệu Jockey, nhưng phải gắn thêm nhãn Made in Việt Nam hoặc Made in Cambodia là tuỳ theo hàm lượng xuất xứ của sản phẩm.
Đôi khi có những vấn đề pháp lý rất rắc rối, thoạt đánh giá tưởng rằng người ta sai nhưng thực ra do doanh nghiệp mình không am hiểu lắm. Các doanh nghiệp đa quốc gia là những doanh nghiệp đi làm ăn ở nước ngoài nên họ am hiểu rất tốt về luật của nước sở tại.
Bà Nguyễn Thị Sơn nhận hoa tại sự kiện kỷ niệm 10 năm viện khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế. |
Trước đây họ đầu tư bằng hình thức đầu tư nhà máy mới, nhưng bây giờ khi họ vào Việt Nam, họ muốn có được thị phần ngay nên họ mua lại công ty đang hoạt động trên cơ sở định giá công ty. Nhiều công ty đang khó khăn, yếu kém nhưng khi nước ngoài vào mua lại thì họ có khả năng vực dậy công ty đó vì họ có cả một hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Nhiều công ty, doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng không có người thừa kế, ông chủ già rồi thì đành phải dừng lại, nhưng nếu người nước ngoài biết được họ sẽ nhảy vào mua doanh nghiệp đó. Chỉ cần điều chỉnh đôi chút thì họ đã có một doanh nghiệp, một thị trường rồi.
Pháp lý trong kinh doanh như một trò chơi đầy kịch tính, nếu doanh nghiệp am hiểu thì sẽ phát huy tốt mà ai không hiểu thì sẽ rất thua thiệt.
PV: Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!
Ngọc Diễm (thực hiện)