Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở biển Đông và gọi lệnh cấm này là vô giá trị.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
"Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định cấm đánh bắt cá vô giá trị của Trung Quốc" -Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh |
“Lệnh cấm mà phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982...”, ông Lê Hải Bình tuyên bố.
Trước đó, theo Tân Hoa xã, chính quyền thành phố Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) thông báo “Phương án thực thi công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt trên biển của Thành phố Hải Khẩu năm 2015” trong đó cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12g ngày 16-5 đến 12g ngày 1-8 trong phạm vi vùng biển từ 12o vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ).
Lệnh cấm sẽ được áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước ngoài, trong đó có các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết, gần 9.000 tàu cá của tỉnh Hải Nam cập bến để nghỉ ngơi, bảo dưỡng tàu trong thời gian này.
Tuy nhiên, mặc dù cấm đánh bắt cá nhưng Trung Quốc lại có ngoại lệ là “chỉ những tàu cá nào có giấy phép đi đánh bắt mới được rời cảng tới khu vực Trường Sa".
Trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm.
Phong Vân (Tổng hợp)