Theo Tuổi Trẻ và Thanh Niên, Ngày 28/4, Vingroup công bố đã hoàn thành hai mẫu máy thở đúng ba tuần sau khi công bố sản xuất máy thở để phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Hai máy thở mang tên VFS-410 và VFS-510 đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và giá trị sử dụng lâu dài trong điều trị, không chỉ đáp ứng nhu cầu phục vụ Covid-19 hiện nay.
VFS-410 chính là bản nâng cấp của máy thở đầu tiên của Vingroup phát triển mang số hiệu VFS-310. Đây là loại máy thở xâm nhập dựa trên công nghệ tạo khí bằng turbin, có tính năng tương đương với các máy thở xâm nhập lưu động cao cấp trên thị trường.
Từ thiết kế máy thở không xâm nhập đơn giản của nhóm nghiên cứu trường Đại học MIT, VFS-410 đã được các kỹ sư Vingroup cải tiến để trở thành một máy thở xâm nhập với công nghệ tạo khí bằng turbin thay vì bóp bóng tự động nhằm đảm bảo tính chính xác cao.
Bên cạnh đó, máy còn được bổ sung cảm biến giám sát và cảnh báo để duy trì nồng độ oxy, áp suất dương cuối kỳ thở ra, đo được nhịp thở bệnh nhân và tự điều chỉnh để đồng bộ với nhịp thở này.
Toàn bộ nguyên lý hoạt động, bo mạch, linh kiện cơ khí, phát triển phần mềm và kiểu dáng của VSmart VFS-410 đều được thiết kế, phát triển và sản xuất tại Vingroup, dưới sự tư vấn sát sao của Bộ Y tế, các chuyên gia quốc tế và các bác sĩ Vinmec.
Trong khi đó, VSmart VFS-510 là máy thở xâm nhập dựa trên mẫu PB560 của hãng máy thở Medtronic đã được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. VFS-510 có ưu điểm nhỏ gọn, đa năng gồm 6 chế độ thở linh hoạt, có thể sử dụng cho bệnh nhân trưởng thành, bệnh nhi; cho người cần hỗ trợ thở xâm nhập hoặc không xâm nhập… đáp ứng đa dạng yêu cầu điều trị theo chỉ định của bác sỹ.
VFS-510 có ưu điểm nhỏ gọn, đa năng gồm 6 chế độ thở linh hoạt, có thể sử dụng cho bệnh nhân trưởng thành, bệnh nhi; cho người cần hỗ trợ thở xâm nhập hoặc không xâm nhập… đáp ứng đa dạng yêu cầu điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Vì tình trạng khan hiếm vật tư sản xuất máy thở trên toàn thế giới, Vingroup chủ động nghiên cứu khắc phục để tự sản xuất hoặc nội địa hóa tới 70% các cụm linh kiện trong máy, bao gồm cả các cụm linh kiện đặc biệt quan trọng và phức tạp như: quạt thổi khí (blower), các bo mạch (PCBA điều khiển, nguồn,…), bàn phím, màn hình hiển thị, pin, vỏ máy...
VFS-410 và VFS-510 sẽ tiếp tục được kiểm thử bởi các bệnh viện và các chuyên gia hàng đầu Việt Nam cũng như sẽ được các cấp Hội đồng ngành Y đánh giá để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng trước khi lưu hành. Dự kiến lô sản phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng vào ngày 15/5/2020.
Phát biểu tại buổi tiếp nhận hai mẫu máy thở do Vingroup chuyển giao để thẩm định chất lượng, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) - cho biết Bộ Y tế đánh giá cao tốc độ và sự quyết tâm của Vingroup và các đơn vị sản xuất khác trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất máy thở.
"Đến nay có thể khẳng định bước đầu chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất máy thở tại Việt Nam. Bộ Y tế sẽ tiếp tục đồng hành với Vingroup và các nhà sản xuất khác để phát triển sản phẩm, sớm đánh giá để có thể đưa sản phẩm vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ phòng chống dịch COVID -19" – ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.