Đó là mức tiền phạt dành cho cá nhân và tổ chức khi thờ ơ, vô cảm trước người bị tai nạn trên đường. Mức xử phạt đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ nước ta.
Trước thái độ bức xúc của dư luận xã hội về sự vô cảm của những người qua đường trong vụ tai nạn gần đây tại đường Ái Mộ, quận Long Biên (Hà Nội), ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: "Hiện nay, Luật giao thông đường bộ nước ta đã quy định, những người tham gia giao thông trên đường khi gặp người bị nạn phải có trách nhiệm cứu giúp. Đồng thời, Luật có chế tài xử phạt những người không thể hiện trách nhiệm trước sự việc. Chẳng hạn, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tổ chức sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng".
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, mỗi người cần phải có trách nhiệm dừng lại và tìm cách trợ giúp người bị nạn một cách phù hợp bằng khả năng của bản thân. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ranh giới giữa việc phân biệt sự vô cảm và tính trách nhiệm đôi lúc còn chưa rõ ràng.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia |
"Nếu chúng ta đứng ở vị trí là một người không liên quan đến vụ tai nạn, khi thấy những người lái xe đi qua không dừng lại giúp đưa nạn nhân đi cấp cứu, chúng ta dễ đánh giá họ là người vô cảm. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận ở khía cạnh xác định rõ ai là người có trách nhiệm liên quan đến việc bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn theo đúng cách, đúng quy định pháp luật, chúng ta sẽ có cái nhìn khác hơn về thái độ của những người đó, không nặng nề như nhiều ý kiến đã lên án", ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Việc cứu giúp nạn nhân nếu vội vàng, không có kỹ năng cũng sẽ gây hại thêm cho người bị nạn. Vì thế, trong những tình huống cứu giúp người bị tai nạn, mỗi người cần nắm được một số kỹ năng cơ bản và một số điểm cần tránh.
Ông Khuất Việt Hùng chia sẻ phương thức: "Chẳng hạn, nếu vội vàng bế xốc người bị nạn lên, chúng ta có thể sẽ khiến họ bị tử vong. Thay vào đó, chúng ta cần giữ nguyên vị trí họ nằm rồi gọi những người có trách nhiệm đến. Đầu tiên, chúng ta cần gọi công an đến để giữ hiện trường, gọi những người xung quanh đến để họ cùng chứng kiến sự việc và gọi những người làm cấp cứu chuyên nghiệp đến. Đó sẽ là cách đúng đắn nhất để ứng xử trong tình huống gặp người bị tai nạn".
Để lắng nghe cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng về trách nhiệm cứu giúp người bị tai nạn một cách đúng đắn, mời quý vị theo dõi qua video dưới đây:
Nguồn: VTV