"Mong được nhận ít tiền, coi như là mình có công phát hiện, nhưng nếu tìm được chủ thật, sẽ trả hết cho họ", chị Hồng, người nhặt được 5 triệu yen tâm sự.
Mấy ngày nay, trong con hẻm 84 trên đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình, người dân vẫn chưa hết lời bàn tán về chuyện nhặt được tiền tỷ của vợ chồng chị Hồng. Sự việc càng xôn xao hơn khi nhiều người quan tâm, tranh luận, liệu chị Hồng có được sở hữu số tiền trong hộp sắt mà chị mua hay không? Phía gia đình có ý kiến như thế nào?
"Sẽ buồn nếu không nhận được tiền"
"Mấy ngày nay cảm thấy mệt mỏi vô cùng, công việc của gia đình gần như đảo lộn, mỗi khi bước chân ra ngoài là mọi người chú ý bàn tán xôn xao. Chỉ mong vụ việc này kết thúc sớm để gia đình trở lại làm ăn bình thường như trước", chị Hồng cho biết. Chị Hồng nói thêm: "Tự nhiên được nổi tiếng thế này, đâm ra lo quá. Đi đâu người ta cũng nghĩ mình được hưởng một số tiền lớn lắm nên ai cũng chú ý, ai cũng bàn tán khiến mình không thoải mái như trước nữa.
Nhưng thực tế, giờ mình vẫn chưa nhận được tiền". Khi chúng tôi hỏi, nếu như hai vợ chồng anh chị không được hưởng một phần tiền thì có buồn không, anh Vương (chồng chị Hồng) khựng lại: "Buồn chứ sao không buồn. Vợ chồng tôi sẽ rất buồn nếu không được hưởng một phần tiền nào đó. Dù biết đó là lộc trời ban, của nhặt được. Nhưng vợ chồng tôi có công phát hiện ra mà". Anh cũng mong mỏi: "Dù vợ chồng ít hiểu biết, nhưng qua báo đài thì biết có thể được hưởng một phần tiền. Nếu đúng là như thế thì quả là hạnh phúc và rất vui. Tôi sẽ cho mấy chị bán ve chai ở cùng nhà mỗi người một ít, số còn lại gửi về quê cho hai đứa con ăn học và làm vốn mua bán tiếp".
Căn nhà thuê của vợ chồng chị cùng với 15 người khác sinh sống để buôn bán ve chai.
Chị Hồng tiếp lời: "Chỉ mong được nhận ít tiền, coi như là mình có công phát hiện, vợ chồng không đòi hỏi gì cả. Nếu không được hưởng thì có buồn đôi chút. Coi như mình không có lộc được hưởng số tiền đó. Còn nếu tìm ra chủ nhân thật sự, thì vợ chồng tôi vui vẻ trả hết cho họ".
Rồi hai vợ chồng anh nhớ lại: "Vào tháng 11/2013, vợ chồng tôi được một người đàn ông chừng 40 tuổi, đứng gần ngã ba đường Trần Văn Quang - Âu Cơ thuộc quận Tân Bình gọi lại bán cho cái hộp sắt với giá hơn 100 ngàn đồng. Lúc đó chúng tôi đâu có để ý ông ta là ai, hay ở đâu. Không ngờ chính chiếc hộp mua về lại chứa nhiều tiền như thế".
Đến ngày 21/3, vợ chồng chị mở hộp thì thấy bên trong có 5 triệu yen (hơn 1 tỷ đồng), sự việc trên khiến cả một khu vực xung quanh nhà chị náo loạn. Sau đó, chị Hồng tạm thời giao nộp số tiền trên cho Công an phường quản lý tránh việc bị đe dọa, đám đông tụ tập gây mất an ninh trật tự. Đến ngày 23/3, chị Hồng cùng người em của mình đã được Công an phường 10 quận Tân Bình, TP.HCM mời đến để chứng kiến và ký xác nhận túi niêm phong hộp đựng tiền.
Nhận được một nửa số tiền sau 1 năm?
Liên quan đến vụ việc, hôm 21/3, luật sư Hồ Tố Trinh (Văn phòng Luật sư Người nghèo), vị luật sư này cho rằng, cần phải xác định rõ số tiền mà vợ chồng chị Hồng có được từ cơ sở pháp lý nào. Luật sư Trinh cho biết, trong trường hợp của vợ chồng chị Hồng, do người khác bỏ quên và người bán không biết. Vì thế vợ chồng chị mua hộp sắt cũng không biết có tài sản trong chiếc hộp. Căn cứ vào Điều 241 Bộ luật dân sự hiện hành quy định nhằm đến đối tượng là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên.
Trong trường hợp này vợ chồng chị Hồng làm đúng, là đem giao nộp cho cơ quan Nhà nước để họ thông báo tìm chủ sở hữu. Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 241 cũng quy định: Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai không có ai đến nhận thì vợ chồng chị Hồng sẽ hưởng được các khoản sau: Nhà nước sẽ trừ đi chi phí bảo quản sau đó sẽ chia cho vợ chồng chị Hồng trước tiên là được 10 tháng lương tối thiểu, và 50% giá trị giá trị còn lại tức là trừ chi phí bảo quản và 10 tháng lương tối thiểu thì phần tiền còn lại kể cả lãi suất (nếu có) sẽ chia 50% cho vợ chồng chị Hồng và 50% còn lại là thuộc về Nhà nước.
Xem thêm Clip: Cô dâu "quẩy" tưng bừng trong đám cưới