Theo tin tức từ Người Lao Động, liên quan đến vụ 2 sản phụ tử vong ở Đà Nẵng, ngày 21/11, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc sở Y tế Quảng Nam đã ký văn bản gửi các đơn vị y tế, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh yêu cầu tạm dừng sử dụng thuộc Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy (gọi tắt là thuốc Bupivacain) do Ba Lan sản xuất.
Theo đó, Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu các đơn vị y tế công lập, các bệnh viện đa khoa ngoài công lập ngừng sử dụng thuốc Bupivacain, do Công ty CP Dược phẩm Trung ương – Chi nhánh Đà Nẵng cung ứng, trong thời gian chờ kết quả trả lời mẫu kiểm nghiệm thuốc này của Viện Kiểm nghệm Trung ương. Các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện việc sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu đối với trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn, khẩn trương gửi về Trung tâm DI &ADR quốc gia, đồng thời gửi Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em- Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu các đơn vị tuân thủ phác đồ, quy trình, quy định chuyên môn kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh, giảm thiểu tai biến và sự cố y khoa xảy ra.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC 1 tại Đà Nẵng đã thông tin về thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (gọi tắt là Bupivacaine) và lô thuốc gây tê 01DB0619 đã sử dụng trước khi hai sản phụ tử vong, 1 nguy kịch tại Đà Nẵng.
Nói về quy trình nhập thuốc gây tê, đại diện đơn vị này cho hay khi nhập thuốc Bupivacaine, công ty đều nhận phiếu kiểm nghiệm của bên sản xuất, cụ thể là nhà sản xuất Warsaw Pharmaceutical Works Polfa S.A, Ba Lan. “Khi nhập thuốc vào bệnh viện thì nhà cung ứng phải cung cấp hồ sơ sản phẩm theo quy định. Và mỗi lần nhập thuốc phải có phiếu kiểm nghiệm rõ ràng”, vị đại diện này nói.
Nói thêm với báo này, đại diện chi nhánh cho hay đã cung cấp các hồ sơ liên quan đến lô thuốc 01DB0619 cho cơ quan chức năng liên quan làm rõ.
Trước đó, từ ngày 22/10 đến 17/11, ở Đà Nẵng có 2 sản phụ tử vong, 1 nạn nhân nguy kịch. Nạn nhân đầu tiên tên L.H.P.T. (trú quận Hải Châu) đến Bệnh viện Phụ nữ mổ bắt con, nhưng không qua khỏi.
Khoảng 8h ngày 17/11, chị V.T.N.S. (32 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập Bệnh viện Phụ nữ để chờ sinh. Sau khi các bác sĩ gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi thì chị S. có biểu hiện bất thường nên được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và tử vong vào lúc 20h cùng ngày.
Trường hợp khác là sản phụ N.T.H. (32 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhập viện lúc 10h50 ngày 17/1. Người phụ nữ này đang mang thai 37 tuần 1 ngày, trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ.
Tại đây, bệnh viện tiến hành mổ lấy thai nhi rồi chuyển sản phụ H. vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.