Theo Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý.
Như tin đã đưa, Cần Thơ vừa quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực (Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực) ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Anh Rê cũng bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.
Trong khi đó, chủ tiệm vàng Thảo Lực bị phạt 180 triệu đồng và bị khám xét, thu giữ 20 viên kim cương, toàn bộ vàng trắng, gần 20.000 viên đá nhân tạo.
Theo Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý.
Do đó, hành vi của anh Rê, được xem là vi phạm pháp luật và áp theo khung xử phạt hành chính, theo Nghị định 96/2014, từ 80 đến 100 triệu đồng.
Báo Tuổi trẻ dẫn quy định hiện nay nêu rõ, người có nhu cầu bán (đổi) ngoại tệ phải đến các chi nhánh ngân hàng hoặc các điểm được phép thu đổi ngoại tệ.
Theo quy chế đại lý đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thì địa điểm đặt đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ có ở khách sạn 3 sao trở lên, cửa khẩu quốc tế, khu vui chơi giải trí có thưởng dành riêng cho người nước ngoài, văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không VN.
Các đại lý này còn có ở các khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều khách nước ngoài. Ngoài ra một số tiệm vàng, công ty vàng được cấp phép trước đây cũng được phép thu đổi ngoại tệ.
Các đại lý này chỉ được dùng VND mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy VND.
Trường hợp các đơn vị không có giấy phép vẫn thu đổi ngoại tệ, nếu bị phát hiện thì không chỉ tổ chức này bị xử lý hành chính mà người có nhu cầu đổi ngoại tệ cũng bị xử lý theo nghị định 96.
Cụ thể, đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ thì bị xử phạt hành chính từ 500-600 triệu đồng. Đối với cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có giấy phép có thể bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng.
Các cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có phép còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ hoặc VND quy đổi.
Vì vậy, người có nhu cầu đổi ngoại tệ tốt nhất nên đến những ngân hàng thương mại, còn khi đến các tổ chức kinh tế khác (tiệm vàng, khách sạn...) thì cần biết họ có giấy phép hay không.
Đức Hoà (tổng hợp)