Là tổ chức đại diện quyền lợi trực tiếp cho người lao động nhưng công đoàn Công ty Rich Beauty đã không có bất cứ sự can thiệp nào trong việc để công nhân tăng ca liên tục với cường độ cao, trong suốt một thời gian dài và bị cắt giảm ngày nghỉ.
Liên quan đến vụ việc công nhân bỏ phân, thuốc diệt chuột, chất thải, dao mổ cá và ốc vít vào sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật, mới đây, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến sự việc này. Nghi phạm là Trần Xuân Trình - công nhân tổ bảo quản sản phẩm xuất khẩu của Rich Beauty.
Theo lý giải của Trần Xuân Trình, do phải làm việc tới 14 tiếng một ngày và không được nghỉ hai ngày chủ nhật trong tháng nên Trình bỏ phân và thuốc diệt chuột vào sản phẩm để làm mất uy tín của công ty, dẫn đến Cong ty ít việc và Trình sẽ được nghỉ theo cam kết.
Phát hiện vụ việc, phía đối tác bên Nhật trả lại hàng nên hoạt động của Công ty Rich Beauty bị đình trệ, thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín. Hành động của Trần Xuân Trình không chỉ phá hoại tài sản mà còn liên quan tới tính mạng và sức khỏe của nhiều người tiêu dùng Nhật nếu họ tình cờ tiêu thụ lô sản phẩm nhiễm độc và nhiễm bẩn này. Chưa kể đến việc các mặt hàng thủy sản Made in Vietnam xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng từ vụ việc trên.
Công nhân bị tăng ca với cường độ cao, bị cắt giảm ngày nghỉ nhưng Công đoàn Công ty không có bất cứ sự can thiệp nào (Ảnh: báo Thái Bình)
Đại diện công ty Rich Beauty cho biết, từ khi xảy ra sự việc, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất vì thị trường chính là Nhật Bản đều bị "đóng cửa". Do trước đó, công ty chỉ tập trung thị trường Nhật, không đẩy mạnh việc mở rộng ở các quốc gia khác nên khi xảy ra sự cố, công ty mới bắt đầu đi xin chứng thư để xuất hàng sang các thị trường khác. Tuy nhiên do lượng khách hàng còn quá ít nên công ty vẫn đóng cửa. Và vấn đề là ít nhất phải vài tháng nữa thì công ty mới có thể hoạt động trở lại, và việc công ty có được tiếp tục ký hợp đồng với đối tác cũ hay không vẫn còn là khả năng.
Cùng với hậu quả nghiêm trọng mà Công ty phải gánh chịu trong vụ việc này, miếng cơm manh áo của hơn 400 công nhân làm việc tại công ty cũng đang bị treo lơ lửng.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết do đây là sự việc rất nghiêm trọng, có dấu hiệu của sự phá hoại và ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không riêng tại thị trường Nhật mà cả ở những quốc gia khác nên cơ quan này đã phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ.
Trần Xuân Trình bị lực lượng công an bắt khi đang lẩn trốn tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Tuy nhiên, nếu đúng như phản ánh của Trần Xuân Trình, công nhân tại Rich Beauty bị ép tăng ca liên tục và làm việc với cường độ cao thì Công ty Rich Beauty đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động. Cụ thể tại điểm b, khoản 2, Điều 106 của Bộ luật Lao động quy định về thời gian làm thêm giờ phải đảm bảo tổng số không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Ngoài ra, trường hợp người lao động bị ép tăng ca là vi phạm điểm a, khoản 2 Điều 106 của Luật.
Hơn nữa, công nhân phải làm việc với cường độ cao và trong suốt một thời gian dài đến mức bức xúc quá mà phải làm liều để mong được nghỉ theo đúng cam kết thì dấu hỏi về trách nhiệm của công đoàn Công ty Rich Beauty được đặt ra. Công nhân phải làm việc với thời gian như vậy nhưng nếu chế độ được đảm bảo thì liệu có xảy ra sự việc tiêu cực trên. (???) Ngay cả trong trường hợp tìm cách đưa ra giải pháp giảm giờ làm xuống một cách hợp lý cũng không được đề cập. Vậy với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền lợi trực tiếp cho người lao động trong doanh nghiệp thì trách nhiệm của công đoàn Công ty Rich Beauty được thể hiện ở đâu khi để công nhân tăng ca liên tục, và bị cắt giảm ngày nghỉ để rồi dẫn tới vụ việc tiêu cực trên?
Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)