Theo trao đổi của ông Đặng Bá Lục, chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh trên báo giao thông cho biết, việc cá biển chết hàng loạt như vậy là do ô nhiễm nguồn nước, do đó nếu người dân tắm biển thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước hiện tượng thủy sản chết hàng loạt trên vùng biển Hà Tĩnh thời gian gần đây, cơ quan chuyên môn kết luận nước biển bị nhiễm độc, nhưng chất độc gì thì chưa rõ.
Điều đáng nói là hiện tượng cá chết không chỉ ở vùng biển Hà Tĩnh mà còn lan ra tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Dư luận hoang mang, nghi vấn cá bị nhiễm chất độc, độc tố của nó phải cực mạnh, có thể là hóa chất bị đổ ra biển.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tìm hiểu nguyên nhân thì bà con ngư dân vùng biển hết sức lo lắng. Thậm chí một số người dân còn lo lắng về việc liệu cá biển chết như vậy thì người dân tắm biển có bị ảnh hưởng không?
Theo trao đổi của ông Đặng Bá Lục, chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh trên báo giao thông cho biết, việc cá biển chết hàng loạt như vậy là do ô nhiễm nguồn nước, do đó nếu người dân tắm biển thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.
|
Cá biển chết hàng loạt trôi dạt vào bờ khiến người dân hoang mang. Ảnh: Báo giao thông |
Liên quan đến thực trạng cá liên tục chết hàng loạt dọc bờ biển từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế, chiều 23/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi họp khẩn với lãnh đạo của các tỉnh trong khu vực.
Vấn đề được đưa ra trao đổi nhiều nhất trong cuộc họp chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển thuộc 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết bộ này và các cơ quan đã có kết luận bước đầu.
Theo đó, có thể loại bỏ nguyên nhân do dịch bệnh và môi trường nước. Các chỉ số về môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản không có gì bất thường, trừ một số mẫu ở các hộ nuôi ở Thừa Thiên Huế có một số điểm bất thường đang chờ xét nghiệm.
Về nghi vấn có khả năng có độc tố trong nguồn nước: Sinh học (tảo độc) hay hóa học, các độc tố khác như kim loại nặng..., Bộ Nông nghiệp đã lấy mẫu và sẽ cùng với các bộ ngành khác tìm nguyên nhân, xác định chính xác độc tố là gì.
Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản cũng thông tin thêm: Qua nhận định ban đầu, nguyên nhân độc chất mạnh gần như là chắc chắn, song chưa biết nơi nào phát tán.
G.Trần (tổng hợp)