(Tinmoi.vn) "3 người già và 5 trẻ em đã được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội; 13 trẻ em hiện được gia đình nuôi dưỡng; 1 trẻ em được nhận làm con nuôi (có quyết định của UBND phường Bồ Đề) và 2 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại chùa khác", kết luận của cơ quan điều tra vụ việc liên quan đến nghi án chùa Bồ Đề mua bán trẻ em.
Tại buổi họp báo giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 19/8, Ông Đỗ Mạnh Hải phó chủ tịch quận Long Biên thông báo kết quả thanh tra chùa Bồ Đề trong nghi án liên quan đến việc bán trẻ em.
Cụ thể, những ngày đầu tháng 8, đoàn liên ngành chia làm 4 tổ đã tiến hành kiểm tra tại chùa Bồ Đề với các nội dung: Thực trạng chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi (gọi chung là đối tượng bảo trợ xã hội); công tác tiếp nhận, quản lý đối tượng bảo trợ xã hội; và việc thực hiện các quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội.
Thời điểm kiểm tra, số đối tượng bảo trợ xã hội có 135 người, trong đó trẻ em từ 0 đến dưới 6 tuổi là 55; trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi là 37; người tàn tật trên 16 tuổi, người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội là 34; và 9 trường hợp người cơ nhỡ xin tá túc.
Theo sư trụ trì Thích Đàm Lan, từ năm 2012 trở về trước, sư trụ trì trực tiếp điều hành việc tiếp nhận, quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội. Từ sau thời điểm này, công việc đó được giao cho Nguyễn Thị Thanh Trang là người nương nhờ trong chùa, ghi chép vào sổ theo dõi quản lý các đối tượng.
Đối chiếu tổng số người có mặt tại thời điểm kiểm tra với hồ sơ do phía nhà chùa cung cấp và qua hồ sơ của các cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy, có 24 người, gồm 21 trẻ em và 3 người già, có tên trong hồ sơ nhưng không có mặt. Cơ quan chức năng đã trực tiếp phân công cán bộ đi xác minh theo các địa chỉ do sư trụ trì Thích Đàm Lan cung cấp. Kết quả đến ngày 8/8 làm rõ: 3 người già và 5 trẻ em đã được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội; 13 trẻ em hiện được gia đình nuôi dưỡng; 1 trẻ em được nhận làm con nuôi (có quyết định của UBND phường Bồ Đề) và 2 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại chùa khác.
Đoàn liên ngành nhận xét, nhà chùa có sổ sách theo dõi người đang cư trú, có số đăng ký tạm trú với chính quyền cơ sở, đã phân công người chịu trách nhiệm theo dõi, thực hiện. Tuy nhiên, việc phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý nhân hộ khẩu chưa nghiêm túc, không tự giác khai báo những di biến động về số trẻ em và đối tượng bảo trợ xã hội (chỉ khi chính quyền cơ sở rà soát mới báo cáo).
Kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại khu nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, đoàn liên ngành ghi nhận diện tích ở trung bình mỗi người tính theo mét vuông là không đảm bảo quy định. Trang thiết bị khu bếp đơn giản, sơ sài, không đảm bảo phòng tránh côn trùng. Khu vệ sinh cũng không đáp ứng tốt nhu cầu.
Nhiều tồn tại khác là không có người có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực y tế, trong khi tại đây có nhiều trẻ em, người già ốm yếu, bệnh tật. Nhà chùa có bố trí người phục vụ chăm sóc trẻ em, tuy nhiên, nhiều người trong số đó không có chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ.
Qua kiểm tra, đoàn liên ngành nắm được 100% trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 6, đều chưa được đi học tại các cơ sở giáo dục theo quy định. Nhóm trẻ từ 6 đến 16 tuổi, có 18 trẻ được đi học thường xuyên; 6 trẻ chuẩn bị vào lớp 1; 13 trẻ không đi học, đa phần do bệnh lý. Về việc thực hiện khai sinh cho trẻ, có 80/92 trẻ chưa được đăng ký khai sinh, gồm 47/52 trẻ bị bỏ rơi và 33/40 trẻ lang thang cơ nhỡ, được gia đình gửi vào chùa.
“Việc chùa Bồ Đề tiếp nhận trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội vào nuôi dưỡng khi không đảm bảo các điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là chưa thực hiện đúng quy định”, đoàn liên ngành chỉ rõ và đánh giá công tác quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề chưa chặt chẽ.
Đối với trẻ em bị bỏ rơi, khi phát hiện, trụ trì chưa chưa khai báo với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết.
Từ kết quả kiểm tra, đoàn liên ngành đã có những kiến nghị, đề xuất đối với nhà chùa, quận Long Biên, và đề nghị quận kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND quận giải quyết các vướng mắc trong việc nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề
Cụ thể, thực hiện hướng dẫn chùa tổ chức lại bếp ăn, bố trí sắp xếp thiết bị, vật dụng tại các phòng ở đảm bảo vệ sinh, an toàn cho các đối tượng BTXH, hướng dẫn cách thức quản lý, sử dụng thuốc và thiết lập hồ sơ, sổ sách theo dõi sức khỏe của các đối tượng quy định.
Hướng dẫn trụ trì chùa căn cứ điều kiện về cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH theo quy trình, rà soát, lập danh sách các trường hợp đề nghị tiếp tục nuôi dưỡng tại chùa và danh sách các trường hợp chùa không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, đề nghị đưa vào trung tâm BTXH thành phố.
Hướng dẫn chùa các trình tự, thủ tục cần làm khi có trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại chùa hoặc các đối tượng BTXH muốn tá túc, nương nhờ tại chùa.
Hướng dẫn chùa về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em và thực hiện việc đưa trẻ đến trường học đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em. Tại buổi làm việc, trụ trì chùa Bồ Đề thống nhất với kết quả kiểm tra và các nội dung do phòng chuyên môn của Quận hướng dẫn, cam kết phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ.
Trong buổi chiều cùng ngày, trụ trì chùa Bồ Đề có gửi danh sách 32 đối tượng đề nghị đưa vào trung tâm BTXH thành phố.
17h ngày 18/8, UBND Quận đã nhận được văn bản của chùa Bồ Đề đề nghị đưa toàn bộ số đối tượng đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm BTXH thành phố.
Tại cuộc họp báo về vụ việc chùa Bồ Đề, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó GD Công an Hà Nội cho biết, căn cứ vào những tài liệu điều tra và lời khai củ 2 đối tượng Trang và Nguyệt bị bắt giữ. Cơ quan CSĐT chưa có căn cứ buộc tội sư Lan liên quan đến việc mua bán trẻ em. Tuy nhiên, đó chỉ là kết luận ban đầu, chúng tôi chưa đưa ra kết luận cuối cùng về việc sư Lan có thực sự liên quan hay không.
Đức Thuận