"Nếu thấy có sai phạm thì xem xét hình thức kỷ luật, còn không thì phải minh oan", ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định.
Về thông tin liên quan tài sản được cho là của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, tổ chức Đảng cần vào cuộc sớm để kiểm tra, kết luận công khai.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, tổ chức Đảng cần vào cuộc sớm để kiểm tra, kết luận công khai về những nguồn gốc tài sản mà báo chí đã nêu, phần nào của con cái, phần nào của anh em, họ hàng như chính ông Truyền nêu.
Ông Hùng khẳng định, làm giàu chính đáng là quyền của mỗi người, nhưng đã là đảng viên thì phải chấp nhận những đòi hỏi khắt khe, phải sống mẫu mực. Nếu sai, ông Truyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng.
Theo ông Hùng, điều lệ và các văn bản của Đảng thì các chi bộ ở cơ sở tới đảng bộ các cấp đều có thẩm quyền về việc giám sát, kiểm tra, kỷ luật với đảng viên, đặc biệt với các vấn đề dư luận đặt ra.
Theo các quy định hiện hành, với các vấn đề của đảng viên, đầu tiên chi bộ nơi người đó sinh hoạt phải vào cuộc. Nếu không đủ phương tiện, nhân lực để làm thì báo cáo đảng ủy. Đảng ủy thấy vẫn không đủ sức làm thì báo cáo đảng ủy cấp trên. Trong trường hợp này, Tỉnh ủy phải kiểm tra, xác minh, và nêu rõ quan điểm của mình trước khi báo cáo, xin ý kiến Trung ương. Ví dụ, mấy ngôi nhà, biệt thự được báo chí nêu ở các địa bàn khác nhau thì Huyện ủy, rồi Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tương ứng xác minh.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, tổ chức Đảng nơi ông Trần Văn Truyền đang sinh hoạt cần phải thẩm tra, xác minh, làm rõ và có kết luận. Nếu thấy có sai phạm thì xem xét hình thức kỷ luật, còn không thì phải minh oan. “Bản thân anh Truyền cũng rất bình tĩnh khi khẳng định “sẵn sàng cung cấp thông tin để minh định tài sản. Tôi cho rằng, đây là ứng xử đáng hoan nghênh”, ông Hùng nói.
Về thông tin trước khi nghỉ hưu, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm 60 cán bộ trong vòng 6 tháng, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, phải kiểm tra xem có đúng quy trình, cán bộ được bổ nhiệm có đúng tiêu chuẩn hay không. Công tác cán bộ ở bất cứ đâu cũng cần được công khai hóa, tạo môi trường để người dân giám sát, trong đó có việc công khai tài sản, công khai đánh giá về đạo đức, tư cách.
Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP. Chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) ông Truyền ký bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 ký bổ nhiệm 22 người.
Video clip bạn có thể quan tâm: Biệt thự ông Truyền: