(Tinmoi.vn) Ông Trần Văn Truyền và con gái đồng loạt cho rằng khu đất roonngj 10.000 m2 có giá lên đến 15 tỉ đồng là tài sản của con trai ông Truyền.
Theo nội dung mô tả của báo Người cao tuổi, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt.
Bài báo cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng.Nói về căn biệt thự của gia đình ở xã Sơn Đông chị Huệ phân trần: “Ba đắn đo lắm mới quyết định xây nhà. Trước đó em trai tôi mua chỗ đó là đất hoang, mua của một người tên Nghiệp và những người dân khác rồi dồn lại".
Ông Trần Văn Truyền và khu đất rộng 10.000 m2 trị giá 15 tỉ đồng chưa kể biệt thự
Ông Trần Văn Truyền nói với Tri thức trẻ: “Thứ nhất, thông tin về căn "biệt thự" thì đúng là tôi có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên đất của con tôi mua từ lâu rồi. Tôi về nghỉ hưu thì định ở căn nhà dưới phường 1 (TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) mà hồi đó tỉnh bán lại cho tôi theo Nghị định 61 (Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Thủ tướng Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó có việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê) sau khi tôi nghỉ hưu. Tôi là cán bộ thương binh, cha tôi và anh tôi là liệt sỹ, mẹ tôi là bà mẹ Việt Nam anh hùng cho nên gia đình tôi thuộc đối tượng được mua nhà theo Nghị định 61 nhưng vì con tôi mua mấy công đất ở trên này (tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre) nên tôi lên đây ở”.
“Về căn nhà của tôi thì cũng bình thường, nếu có so với những người dân ở quanh đây thì đúng là có rộng rãi hơn chút. Tôi có thằng cháu ở ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh nó về thiết kế cho theo kiểu cũng mới mẻ nên trông bề ngoài có vẻ trang trọng. Còn bên trong, những người vào cũng bảo là bình thường chứ chẳng có vấn đề gì.
Còn đồ đạc trong nhà là do tôi tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì tôi mang đồ đạc đến. Cái giường ngủ của vợ chồng tôi cũng bình thường chứ lấy đâu ra vài tỉ đồng”, ông Truyền nói tiếp.
Theo vị Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ này, diện tích đất nhà nhà ông chỉ khoảng hơn 1 hecta. Khu đất này do ngày trước người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ. “Tôi về, tôi mới trồng cây, gây dựng thành một cái vườn như ngày nay. Vậy mà có thông tin là đất nhà tôi rộng 30.000m2 thì tôi không hiểu lấy ở đâu ra?
Đất là của con trai, còn tiền xây biệt thự là do người em kết nghĩa biếu
Vị Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cũng lên tiếng về mảnh đất của ông Truyền. Theo ông Trọng, miếng đất rộng 1 hecta đó đã được con trai của ông Trần Văn Truyền mua từ lâu. “Hồi đó con ông Truyền mua là đất ao, đầm. Sau đó, ông Truyền về mới cải tạo lại để trồng chuối và cọ dầu”, ông Trọng nói.
Chị Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông Trần Văn Truyền cũng liên tục khẳng định với Tri thức trẻ rằng mảnh đất này là của người em trai – tức con trai ông Trần Văn Truyền:
“Đất dùng để xây biệt thự được người em trai mình mua đã lâu và khi mua thì giá rẻ lắm không nhiều tiền. "Ông cực khổ mười mấy năm rồi, trước khi làm nhà ông đắn đó lắm. Ngay như bản thân tôi làm việc trên Sài Gòn cũng được mấy chú bên hàng không muốn xin về mà ông không cho. Ông nhạy cảm và suy nghĩ kỹ như vậy đó. Giờ ông về hưu rồi từ hôm báo chí đưa thông tin lên làm ông rất phiền lòng. Huyết áp tăng cao nên gia đình không cho ông gặp người lạ”, chị Huệ nói.
“Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở sau đó cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó.Ông cũng đang cất nhà thiệt, nhìn bề ngoài thì cũng đẹp. Lúc đầu mọi người khuyên ông làm cổng bằng cột và lát đá nhưng ông quyết định làm bằng sắt cho tiết kiệm. Nhìn bên ngoài ngôi nhà thì nó vậy thôi chứ giá trị thì cũng bình thường thôi”, chị Huệ giải thích thêm về căn biệt thự “khủng” của gia đình.
Theo những người dân ở ấp 3, xã Sơn Đông nơi có ngôi biệt thự “khủng” của ông Truyền tọa lạc thì đất tại đây hiện đang được bán với giá khoảng 1,5 triệu/m2. Nhân số này lên với 10.000 m2, thì tính riêng tiền đất đã có giá lên tới 15 tỉ đồng.
Trong khi đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X cho biết: “Tôi có đọc báo thấy viết tài sản lớn quá. Cả biệt thự ở Phú Mỹ Hưng. Mà tôi vào đây rồi, nhà bình thường cũng phải trên 2 triệu đô la còn đâu toàn 4 - 5 triệu đô một căn thôi”
Trả lời báo Giáo dục, tướng Thước nhận xét, trong vụ của ông Truyền có thể có vấn đề. Mà vấn đề liên quan đến tài sản của một vị cựu quan chức cấp cao, làm tại nơi phụ trách việc kiểm tra tham nhũng, tiêu cực như Thanh tra Chính phủ thì các cơ quan chức năng càng phải vào cuộc gấp.
“Bất kỳ ai dù đang đương chức hoặc đã về hưu mà thấy phát sinh vấn đề không bình thường so với các quy định của Đảng và Nhà nước, nhất thiết phải xem xét”, tướng Thước nhấn mạnh.
Nam Nam (Tổng hợp)