Trả lời câu hỏi liệu có phải Hà Tĩnh tự ý cấp phép cho Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý, ông Võ Kim Cự trả lời thẳng thắn: “Dư luận nghĩ thật đơn giản. Một dự án lớn như vậy sao Hà Tĩnh tự ý được.”
Trao đổi với phóng viên Tiền phong, Tuổi trẻ, ông Võ Kim Cự - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, người đã ký giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa đầu tư nhà máy luyện thép tại Vũng Áng cho biết, ông rất bất ngờ khi Formosa xảy ra sự cố.Trả lời phóng viên về việc suốt hơn 3 tháng từ khi xảy ra sự cố môi trường do Formosa gây ra, ông hoàn toàn im lặng dù dư luận "soi" rất dữ; báo chí hỏi không trả lời, lãnh đạo Hà Tĩnh nói Bí thư, chủ tịch Hà Tĩnh gọi ông cũng không bắt máy…, ông Cự khẳng định, báo nào nói Bí thư, chủ tịch Hà Tĩnh gọi mà không bắt máy thì ông không biết. Nhưng chỉ gần đây khoảng ngày 16 đến 19/7 có vài phóng viên đề nghị gặp nhưng do bận nên ông từ chối, hẹn sau đại hội Liên minh HTX Việt Nam vì mấy ngày đó quá bận, cần phải tập trung.
“Tại hành lang Quốc hội cũng có phóng viên đề nghị gặp, tôi cũng nói là sẵn sàng gặp, không từ chối. Nhưng thời gian nghỉ giải lao chỉ 20 phút, đủ vào ra, uống chén nước, mà nội dung thì chưa biết phóng viên hỏi gì. Nói dài thì không đủ thời gian mà nói ngắn thì không đầy đủ nên tôi chờ thời gian thích hợp hơn” – ông Cự trao đổi với phóng viên Tuổi trẻ.
Ông Võ Kim Cự. Ảnh: Tuổi trẻ |
Khi được hỏi có từng nghĩ tới hậu quả mà Formosa gây ra với bốn tỉnh miền Trung thời gian vừa qua trước khi đặt bút ký đồng ý cho Formosa vào Việt Nam, ông Cự nói: “Thật sự là bất ngờ. Đùng một cái xảy ra sự cố, nghe như kiểu là "tin giật gân". Vì trước đó chúng tôi đã bắt buộc Formosa tuân thủ luật pháp Việt Nam, đảm bảo môi trường...Tôi thật sự băn khoăn và trăn trở vì thấy họ đã cam kết, đầu tư một lượng vốn khá lớn, cứ nghĩ như vậy thì họ sẽ làm việc nghiêm túc. Có ai ngờ... Thời gian tôi làm ở Hà Tĩnh thì Formosa chỉ làm mặt bằng, chưa có gây ra ảnh hưởng đến sự cố môi trường biển. Còn quá trình lắp đặt thiết bị là cuối năm 2015 và đầu năm 2016 mới lắp thiết bị và chạy thử, khi đó tôi đã rời Hà Tĩnh, không thể trực tiếp chỉ đạo, giám sát nữa. Chúng ta cũng cần khách quan là đây là thời điểm chạy thử, bên phía bạn cũng đang tiến hành kiểm tra lại quy trình vận hành, cho nên sự cố này xảy ra cũng là để chúng ta bắt buộc họ làm nghiêm ngay từ đầu. Những cái này thật sự bất ngờ đối với tôi, chứ không phải mình thấy mà lại vô trách nhiệm, không quan tâm”.
Ông Cự cũng thừa nhận, vào năm 2008, đã từng trả lời báo chí nói về viễn cảnh tươi đẹp khi Hà Tĩnh có Formosa: thu ngân sách hàng chục tỉ USD, người dân có việc làm...
"Tất nhiên là tôi chia sẻ về băn khoăn này, để cho hàng vạn người bị ảnh hưởng. Nhưng đúng là nếu không có sự cố này xảy ra thì hàng chục vạn lao động của Hà Tĩnh và các tỉnh thành có việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh. Năm 2014 Hà Tĩnh thu được gần 10 ngàn tỉ, 2015 hơn 10 ngàn tỉ. Như vậy dự báo đó là có tính khả thi thật sự. Nếu như sự cố môi trường này không xảy ra thì rõ ràng là như vậy" – ông nói.
Khẳng định về việc cấp phép 70 năm cho Formosa là đúng luật, ông Cự cho biết, khi xin chủ trương đầu tư, Hà Tĩnh nhận được ý kiến của nhiều bộ, ngành. Sau đó, ngày 4/3/2008 (tại văn bản số 323 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, các bộ: KH&ĐT, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường), nêu rõ “Đồng ý chủ trương Tập đoàn Công nghiệp nặng Formosa Đài Loan lập Dự án đầu tư Nhà máy liên hiệp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh như đề nghị của UBND tỉnh…”.
Ngày 30/1/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản (số 926 về việc công bố kết luận thanh tra) gửi Thanh tra Chính phủ, các bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh. Văn bản nêu ý kiến của Chính phủ: “Đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn 70 năm trong giấy Chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án và kiến nghị của Bộ Tài chính cho phép giữ nguyên tiền thuê đất, thuê mặt nước mà Công ty Formosa đã nộp theo giấy phép đầu tư và hợp đồng thuê đất đã ký”.
Ngoài ra, theo Quy định tại khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm. Vì vậy, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh được ký hợp đồng thuê đất với thời hạn 70 năm là phù hợp với quy định pháp luật.
“Đã có 2 lần kiểm tra sau khi Formosa được cấp phép. Các bộ, ngành cũng đã có ý kiến. Chính phủ đã họp hai lần và kết luận: Cấp phép 70 năm là phù hợp. Như tôi trình bày ở trên, với các quy định rõ ràng, sự tham gia có nhiều bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Hà Tĩnh có thể tự làm được không?" – ông Cự trả lời phóng viên Tiền phong.
Vũ Đậu (tổng hợp)