Theo tin tức trên Tiền phong, Người lao động, sáng ngày 14/5, tại TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2017-2018 tại tỉnh Hòa Bình đối với 15 bị cáo là các cựu cán bộ, giáo viên, công an gây bức xúc dư luận tại địa phương này.
Trong phiên xử sáng nay, đại diện VKS đã đặt câu hỏi bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Lạc Thủy kiêm Uỷ viên ban chấm thi trắc nghiệm 2018).
Đại diện VKS: Bị cáo gặp Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí - Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình) trong thời điểm nào.
Mạnh Tuấn khai: Có gặp Vinh như đã khai đầy đủ trong cáo trạng là gặp Vinh vào khoảng tháng 5/2018.
Đại diện VKS hỏi: Nguyễn Quang Vinh tạo điều kiện như thế nào?
Bị cáo Mạnh Tuấn khai: "Anh Vinh nói có một số con em cán bộ, mối quan hệ ngoại giao cần đạt điểm tốt nghiệp hoặc xét tuyển đại học, cao đẳng và bảo bị cáo xem thế nào. Bị cáo trả lời công việc này rất khó nên phải làm từ gốc, từ bài thi của thí sinh. Anh vinh đồng ý. Sau đó, bị cáo trao đổi lại, đại ý là thay đổi kết quả trên bài thi, bị cáo sẽ thực hiện còn tạo điều kiện cơ sở vật chất, con người, chìa khóa, mở cửa, niêm phong, anh Vinh và anh Chất (bị cáo Khương Ngọc Chất - nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ) phụ trách".
Cũng theo bị cáo này, Vinh đã đưa chìa khóa phòng chứa bài thi kèm danh sách thí sinh cần nâng điểm cho mình. Sau đó, Mạnh Tuấn rủ Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Sở GD-ĐT thực hiện việc sửa 145 bài thi của 58 thí sinh.
Khai tại tòa, Mạnh Tuấn cũng nêu thủ đoạn để qua mắt cán bộ thanh tra để không bị phát hiện túi niêm phong đã được bóc. Mạnh Tuấn nói giơ lên rồi thực hiện các thủ tục rất nhanh để thanh tra không kịp phát hiện.
Về việc tham mưu thành viên tổ trắc nghiệm, Mạnh Tuấn nói xuất phát từ chuyên môn tay nghề, biết giữ mồm, giữ miệng, không hay thọc mạch, thắc mắc. "Bình thường những người này đã ít thọc mạch nên khi có tác động chủ quan sẽ kín đáo hơn. Bị cáo khẳng định lời khai là khách quan", bị cáo Mạnh Tuấn khai.
Đáng chú ý, bị cáo Mạnh Tuấn khai sau khi vụ việc bị phát hiện, Vinh đã gặp mình để động viên nếu như "chẳng may sự việc vỡ lở" phải đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm và bị cáo đồng ý. "Anh Vinh nói cứ nhận một mình, công việc bên ngoài, đời sống vợ con, che chắn, các anh bên ngoài sẽ lo", bị cáo Mạnh Tuấn khai.
Bị cáo Tuấn cũng cho biết thêm, sau khi được lãnh đạo sở thuyết phục, bị cáo viết bản tường trình rồi lên cơ quan công an đầu thú và khai báo theo hướng dẫn của Nguyễn Quang Vinh. Đơn cử, 2 người thống nhất khai Vinh bỏ chìa khóa dưới gối, Mạnh Tuấn sang trộm để vào phòng chứa bài...
Khi được dặn như vậy, Đỗ Mạnh Tuấn nói ngầm hiểu ở đây là Vinh không có sự chỉ đạo, chỉ lơ là tin tưởng anh em để cho anh em qua mặt. Tuy nhiên, sau đó làm việc với cơ quan công an, Mạnh Tuấn mới biết đây là điều phi lý. Bởi theo Tuấn: "Cái này không cần trình độ, hiểu biết cũng sẽ nhìn bản chất sâu xa. Một tay bị cáo không thể làm được cỗ, Phó hiệu trưởng một trường không thể đủ tài, đủ rộng, đủ tầm thao túng cả kỳ thi tầm cỡ như thế được, nếu như không có sự giúp đỡ, che chắn từ các phía, các bên.".
Được gọi đối chất sau đó, bị cáo Nguyễn Quang Vinh không đồng tình với toàn bộ lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn.
Theo cáo buộc, Nguyễn Quang Vinh đã chỉ đạo, thống nhất với Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn can thiệp bài thi trắc nghiệm nhằm nâng điểm thi cho các thí sinh. Thông qua các mối quan hệ, Đỗ Mạnh Tuấn trực tiếp nhận sửa điểm cho 35 thí sinh. Nguyễn Quang Vinh nhờ Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm thi cho 29 thí sinh. Thí sinh còn lại được nâng điểm trong kỳ thi năm 2017.