Theo luật sư, người nhờ cán bộ Sở GD&ĐT Hà Giang nâng điểm cho thí sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ và đối mặt mức án cao nhất đến 20 năm tù.
Liên quan đến những sai phạm trong việc “hô biến” điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang của ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Giang), trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho biết, người thân học sinh nhờ cán bộ nâng điểm và kèm theo đó là việc trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ đưa tiền, lợi ích khác cho ông Lương thì có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến 20 năm nếu của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) trị giá 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng.
Buổi họp báo chiều 17/7, cơ quan chức năng thông tin chính thức về vụ gian lận thi cử ở Hà Giang. Ảnh LĐO |
Đồng quan điểm, trao đổi với PV Lao Động, Luật sư La Văn Thái - Giám đốc Cty Luật TNHH Tầm Nhìn & Thịnh Vượng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nếu cơ quan chức năng mở rộng điều tra và làm rõ được đường dây sửa bài thi, mua điểm, phạm tội có tổ chức thì có thể khởi tố thêm ít nhất 4 tội danh.
Người trung gian, môi giới đưa tiền sửa điểm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Môi giới hối lộ với hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Nếu trường hợp này xảy ra, ông Lương cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn ảnh hưởng đến người khác để trục lợi, với mức hình phạt cao nhất đến chung thân, tử hình (nếu của hối lộ có trị giá một tỷ đồng trở lên).
“Đây là vụ việc vô cùng nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của tất cả thí sinh trên cả nước trong việc xét tuyển vào các trưởng Đại học, Cao đẳng, Trung cấp... khiến các trường không chọn đúng được "người tài" để đào tạo. Vì vậy, cơ quan chức năng nhất định phải làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật tránh gây bức xúc, hoang mang cho nhân dân cả nước”, Luật sư La Văn Thái đề nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Infonet, Luật sư Nguyễn Danh Huế, trưởng Văn phòng Luật sư Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho biết, đối với hơn 100 em học sinh, rong trường hợp này các em học sinh chỉ là nạn nhân của những toan tính của người lớn, do đó cần phải được bảo vệ.
“Các em không có lỗi nên danh tính của các em cũng cần phải giữ kín để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của các em, tránh những hậu quả đáng tiếc và tiêu cực có thể xảy ra. Đảm bảo cho các em sự phát triển bình thường, điều đó phù hợp với luật trẻ em và công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết,” Luật sư Nguyễn Danh Huế nói.
Hà Trang (tổng hợp)