Vừa qua, vụ việc kênh Youtube của VTV bị khóa vì lý do "vi phạm bản quyền" đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đáng quan ngại về lỗ hổng pháp lý liên quan tới các giao kết, đàm phán thương mại quốc tế thời gian qua.
Hôm 28/2, bạn đọc không thể khi truy cập vào kênh chính thức của VTV trên Youtube (vtvgo). Cụ thể, truy cập vào địa chỉ này, người dùng nhận được thông báo có nội dung "VTV - Đài Truyền hình Việt Nam đã bị chấm dứt do chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền liên quan đến tài liệu mà người dùng đã đăng".
Theo tìm hiểu, nguyên nhân vtvgo bị khóa là do một người dùng của Youtube có tên Bùi Minh Tuấn đã báo cáo Youtube về việc VTV đã nhiều lần sử dụng hình ảnh quay bằng flyingcam do ông Tuấn thực hiện mà không xin phép. Và theo chia sẻ của đại diện truyền thông của Youtube tại Việt Nam, việc mở lại vtvgo không phải là chuyện khó, song trước hết, VTV phải chứng minh được vấn đề bản quyền đã được giải quyết, không còn bất kỳ tranh chấp về bản quyền với đối tác. Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu là có sự xác nhận của bên có nội dung bị vi phạm bản quyền.
Ảnh chụp màn hình kênh youtube của VTV sau khi bị khóa |
Được biết, VTV là cơ quan truyền thông lớn của quốc gia, sở hữu lượng khán giả theo dõi không hề nhỏ. Chính vì vậy, việc nhà đài vi phạm bản quyền tới mức phía đối tác nước ngoài phải "tuýt còi" đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Theo đó, dù chưa rõ kết quả ra sao nhưng cách hành xử của VTV trong vụ việc này vẫn sẽ luôn được độc giả sát sao.
Có thể thấy, việc Youtube của VTV bị khóa là hệ quả của việc không tôn trọng điều khoản giao ước trong bản hợp tác với đối tác nước bạn. Và đây cũng không phải là vụ "lùm xùm" đầu tiên liên quan tới "lỗ hổng" pháp lý thương mại trong thời kỳ hội nhập ở nước nhà. Trước đó, từng xuất hiện không ít trường hợp đối tác nước ngoài kiện đòi phía Việt Nam bồi thường hợp đồng. Và tình trạng phía Việt Nam bị thua kiện phổ biến tới mức, các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo rằng, nếu Việt Nam vẫn giữ tư duy pháp luật như bao lâu nay thì việc bị thất thế trước các đối tác là chuyện đương nhiên.
Cụ thể, gần đây nhất, hồi tháng 11/2015, liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, liên doanh nhà thầu chính thi công gói thầu số 2 (Sumitomo - Cienco 6) đã có đơn yêu cầu tp. Hồ Chí Minh bồi thường số tiền lên đến 2.5 tỷ đồng/ ngày do chậm bàn giao mặt bằng. Theo đó, căn cứ theo hợp đồng, với thời gian chậm bàn giao 27 tháng, số tiền phải bồi thường có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Phía Ban Quản lý dự án đã phải báo cáo vụ việc với UBND thành phố, tổ chức đàm phán với các nhà thầu và các đơn vị có liên quan nhằm hạn chế tối đa mức tiền bồi thường này.
Kênh Youtube của VTV bị khóa vì lý do vi phạm bản quyền |
Tháng 10/2014, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thua kiện và phải bồi thường 65 tỷ đồng cho Công ty SKonstruction (SKE&C) - nhà thầu thi công gói thầu bến cảng thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Phán quyết được chính Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ra. Không đồng ý phán quyết này, Vinalines đã gửi đơn lên TAND thành phố Hà Nội kiến nghị hủy phán quyết của VIAC. Tuy nhiên, lý lẽ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã bị Tòa án bác bỏ vì Tổng công ty không đưa ra được chứng cứ để chứng minh.
Tháng 6/2006, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) bị thua kiện và bị Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) buộc phải trả 5,2 triệu euro cho luật sư Maurizio Liberati. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn phải trả 10.000 USD chi phí luật sư cùng những khoản tiền khác theo quyết định của tòa án. Diễn biến của vụ kiện như sau: Từ tháng 9/1991 đến tháng 12/1992, Falcomar thuê ông Maurizio Liberati (người Ý) thực hiện một số công việc với tư cách đại diện cho VNA. Ông Maurizio Liberati sau đó đã kiện yêu cầu VNA thanh toán chi phí cho những công việc mà ông đã thực hiện.
Đến năm 2000, Tòa án Rôma ra phán quyết buộc Vietnam Airlines trả cho ông Maurizio Liberati 4.853.891 lia (tiền Ý). Vì VNA có tài sản ở Paris nên ông này yêu cầu công nhận và thi hành bản án trên trước cơ quan tố tụng Pháp. 4 năm sau, Tòa sơ thẩm Paris đã ra quyết định công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án Rôma. Sau khi nhận được quyết định của Tòa sơ thẩm Paris, Vietnam Airlines kháng cáo nhưng Tòa phúc thẩm Paris đã không chấp nhận.
Tháng 1/2005, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thua kiện Huấn luyện viên Letard. Cụ thể, sau khi bị sa thải hồi tháng 8/2002, HLV Letard đã khởi kiện LĐBĐ Việt Nam lên Ủy ban tư cách kỷ luật của FIFA và bị xử thua. Theo phán quyết hồi đó, LĐBĐ Việt Nam chỉ phải đền bù 3 tháng lương và phụ phí (khoảng 35.000 USD). Và VFF đã gửi 35.000 USD này vào tài khoản luật sư của ông Letard, và không quan tâm vị HLV trưởng người Pháp có đồng ý hay không.
Nhưng sau đó, ông Letard tiếp tục kiện lên Toà án trọng tài thể thao quốc tế (CAS, nằm ngoài FIFA và xử theo luật Thuỵ Sỹ). Biết thông tin nhưng VFF không có bất kỳ một động thái nào. Đến tháng 10/2004, VFF đã phải nhận phán quyết từ Toà án này, yêu cầu đền bù 197.800 USD cho ông Letard vì đơn phương phá vỡ hợp đồng với lý do không chính đáng.
Qua các vụ việc trên, có thể thấy, trong thời buổi hội nhập, lý do không tôn trọng các vấn đề pháp lý của phía đối tác sẽ khiến "phía mình" bị đuối lý trước tiên. Và theo đó, phương hướng giải quyết sự việc theo lối "anh em trong nhà bảo nhau" vốn tồn tại bao lâu nay tất yếu trở nên lạc lõng. Vì trong khi một bên chiếu theo luật, một bên lại "vị theo tình". Cung cách làm việc kiểu "vị tình, vị nể" có lẽ chỉ phù hợp với những giao kết "được ký trên bàn nhậu" hay với môi trường hợp tác chấp nhận sự qua loa. Còn một khi đã là giao kết thương mại có tính quốc tế, đối tác chỉ làm việc tuân theo các điều khoản, luật lệ với các tiêu chí cũng như con số cụ thể thì cần chuyên nghiệp hơn, tôn trọng pháp lý nhiều hơn.
Vũ Đậu