(Tinmoi.vn) Hiện công việc tìm nguyên nhân vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc đang gặp khó khăn vì hộp đen có trục trặc về kỹ thuật.
Trao đổi với Thanh Niên, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng đang khẩn trương giải mã dữ liệu của hộp đen máy bay gặp nạn để tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Tuy nhiên, công việc này rất khó khăn do bản thân hộp đen cũng có trục trặc về kỹ thuật.
Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) cho biết, Bộ tư lệnh Quân chủng vừa có quyết định tạm ngừng mọi công tác huấn luyện bay trong thời gian 7 ngày sau vụ tai nạn của máy bay Mi 171 số hiệu 01 tại Thạch Thất (Hà Nội) vào ngày 7-7. Việc tạm ngừng công tác huấn luyện bay được thực hiện sau mỗi vụ tai nạn bay.
Ngoài ra, Quân chủng Phòng không- Không quân và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thống nhất và báo cáo Bộ Quốc phòng, tổ chức lễ truy điệu các cán bộ, chiến sĩ hy sinh vào ngày 11/7, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Máy bay trực thăng đa năng Mi-171 là biến thể xuất khấu của dòng máy bay trực thăng vận tải dân sự Mi-8AMT (sử dụng ở Nga). Đây là phiên bản nâng cấp hiện đại hóa của Mi-8/Mi-17 với động cơ TV3-117 và hộp số VR-14.
Dòng máy bay Mi-171 đã nhận được các chứng chỉ an toàn bay của các hãng đánh giá hàng đầu của Nga và thế giới. Năm 2005, Brazil đã cấp giấy chứng nhận FAR-29 cho dòng máy bay Mi-171 của Nga. Mi-171 được thiết kế để thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ như vận chuyển hành khách và hàng hóa, vận chuyển tải lớn bên ngoài, tìm kiếm cứu nạn, sơ tán y tế.
Dòng Mi-171 chở khách có thể vận chuyển được 26 hành khách trong điều kiện tiện nghi, hoặc 37 lính dù với trang bị đầy đủ. Với nhiệm vụ cứu hộ, Mi-171 có thể mang được 12 cáng thương và 1 nhân viên y tế.
Vào cuối năm 2005, Việt Nam đã tiếp nhận lô bốn chiếc trực thăng đa năng hiện đại Mi-171 của Nga. Chiếc máy bay gặp nạn ở Hòa Lạc thuộc lô này. Theo quy định của Nga, thời hạn phục vụ trung bình đối với dòng trực thăng Mi-171 được sản xuất vào năm 1991 là 30 năm, hoặc 100 triệu giờ bay.
H.Nguyên