Vụ việc xảy ra mới đây ở trường Nguyễn Khuyến (Tp.HCM) khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Nam sinh16 tuổi trường Trung học Phổ Thông tư thục Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, Tp.HCM) nhảy từ mái tôn lầu 4 xuống sân trường tự tử vì qua mệt mỏi bởi áp lực học tập, suy sụp vì không thể đáp ứng kỳ vọng của gia đình.
Trên thực tế, thành tích học tập của nam sinh này không hề thấp, trong học kỳ vừa qua điểm trung bình học tập của cậu đạt 8.9/10.
Còn bao nhiêu và cần bao nhiêu cú nhảy như thế nữa đây???
Trong suốt 12 năm làm Chánh Văn trên báo Hoa học trò (HHT) tôi cũng dăm lần nhận được những "lá thư muốn chết" như thế. Có khi là sức ép của việc phải học giỏi như "con nhà người ta", có khi là vì "bố mẹ không tin em", lại có khi là bị bạn bè tẩy chay…
Kể lại để cha mẹ và các thầy cô thấy rằng với tâm sinh lý tuổi teen thì một "xước măng rô cũng hoá trọng thương buồn". Có lẽ đám trẻ hồi đó may mắn vì mạng xã hội chưa phát triển, chúng vẫn tin vào những điều tốt đẹp chúng đọc được trên những trang báo đã được kiểm duyệt.
Hoặc cũng có thể hồi đó "học sinh giỏi" chưa nhiều như bây giờ khiến những học sinh kém cảm thấy mình lạc lõng. Hay tệ hơn, có lẽ cũng đã có những cú nhảy mà báo chí hồi ấy chưa rộng khắp để đưa tin.
Sức ép thi cử, thành tích học tập, sự kỳ vọng lớn từ gia đình, thầy cô đang đè nặng lên đôi vai của những đứa trẻ. (Ảnh minh họa)
Nhưng là gì đi nữa, với kinh nghiệm tiếp xúc với học trò và nghiên cứu về tâm lý đối tượng này suốt gần 20 năm thì tôi khẳng định với quý cha mẹ, thầy cô rằng đám teen từ 13 đến 19 tuổi nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn bất cứ độ tuổi nào khác.
Cú nhảy của cậu nam sinh 16 tuổi trường Nguyễn Khuyến ngày 10/4 vừa rồi là một trong những câu trả lời, cách phản ứng với cha mẹ và thầy cô.
Đó là cuộc chạy trốn của những đứa trẻ khỏi những "vòng kim cô" mà thầy cô và cha mẹ đang thắt trên đầu chúng. Tôi đã hơn một lần đề cập trên trang cá nhân cuả mình về cái cách mà nhiều cha mẹ, thầy cô đang cư xử hiện nay.
Đó là biến con thành một thứ huân chương của cha mẹ, của thầy cô, của trường lớp: Là "con tôi học giỏi lắm! Nó đang học lớp chọn đấy", là "lớp ta còn những bạn này chưa ổn khiến lớp bị xếp loại thấp", là "trường chúng ta có truyền thống dẫn đầu về số học sinh giỏi"…
Cha mẹ luôn đem những tấm gương "cô bé chăn lợn đạt thủ khoa" hay "mẹ quét rác, con đỗ thủ khoa 3 trường" ra để dằn vặt chì chiết con mình: Mày có điều kiện học hành đàng hoàng hơn tại sao học kém?
Thậm chí, bài thi đạt 9 điểm cha mẹ vẫn hỏi con: Thế còn 1 điểm nữa sao để mất? Con nên nỗ lực hơn ở lần tới nhé! Chính các vị phụ huynh ngồi với nhau cũng trầm trồ khen một phụ huynh nào đó kể chuyện vất vả đưa con đi chạy "show" các lớp học thêm. Rồi giữa các phụ huynh với nhau cũng chạy đua bằng việc đầu tư cho con cái mình.
Trời ạ, tôi thấy ngày càng lắm những "yêu thương không từ nào diễn tả nổi" từ các vị phụ huynh ấy.
Đấy là nói các vị phụ huynh có tiền bạc, đến các vị phụ huynh điều kiện kém hơn cũng không đứng ngoài cuộc bằng điệp khúc ép buộc: Con ơi, con phải học giỏi, thật giỏi thì mới thoát nghèo được con ạ!
Đến trường lớp, giáo viên cũng không đứng ngoài cuộc. Chỉ số đánh giá thầy cô, trường lớp là gì nếu không phải là số lượng học sinh giỏi???
Hãy để trẻ đi học với tâm trạng thật thoải mái, vui vẻ. (Ảnh minh họa)
Chúng ta cách đây chưa xa còn hồ hởi trên báo về việc Bộ Giáo Dục bỏ chấm điểm nhưng bây giờ nhìn lại xem có bao nhiêu trường còn áp dụng??? Thầy cô đổ lỗi cho cha mẹ đòi hỏi chất lượng giáo dục nên phải nhồi nhét học sinh.
Cha mẹ đổ lỗi cho thầy cô bắt học sinh phải học nhiều quá. Nhưng rồi mỗi kỳ thi tuyển đầu vào cha mẹ lại kháo nhau "trường V tỉ lệ học sinh tốt nghiệp kém lắm, chọn trường Đ đi".
Nhưng rồi mỗi khi sắp tới kỳ thi, trường nào trường nấy đều tăng cường nhồi sọ học sinh sao cho tỉ lệ tốt nghiệp trường mình được cao nhất. Cuối cùng chỉ có đám trẻ con phải đền đáp công lao cha mẹ, phải làm rạng danh ngôi trường chúng đang học.
Cuộc chạy đua về điểm số, thành tích gay cấn như thế thì ai mà còn thời gian cho việc dạy lũ trẻ những kỹ năng mềm hay về giá trị sống? Bao nhiêu trường có giáo viên chuyên trách tư vấn học đường?
Bao nhiêu trường đưa vào kế hoạch năm những buổi tư vấn, lắng nghe học sinh? Thậm chí, kể cả có, những buổi hội thảo, giao lưu chỉ như muối bỏ bể, đôi khi chỉ là hình thức không hơn.
Giá kể em nam sinh 16 tuổi kia được lắng nghe một lần. Cha mẹ em lắng nghe em. Thầy cô em lắng nghe em. Bạn bè em lắng nghe em. Hay chỉ đơn giản, em đọc được những điều tốt lành hay học kỹ năng vượt qua khủng hoảng.
Chúng ta sẽ không thôi ám ảnh về nụ cười của em, nước mắt của em trước khi em quyết định gieo mình xuống. Tôi phải thắt lòng để nhắc quý vị phụ huynh đang cơn hiếu thắng ngoài kia rằng đó là con của quý vị chứ không phải tấm huy chương của quý vị đâu.
Tôi phải thống thiết để nhắc các thầy cô rằng đừng biến điểm số của học trò thành thước đo năng lực giáo viên, hãy đo năng lực của mình bằng sự yêu mến từ học trò dành cho mình.
Hôm qua, cậu nam sinh 16 tuổi đã gieo mình xuống và ra đi vĩnh viễn. Ngày mai, thôi đừng có thêm một học sinh nào phải chạy trốn như thế nữa được không???