Theo tin tức từ báo Giao Thông cho hay, khoảng 11h40 ngày 1/3 tại km108+600 trên QL4D, đoạn qua xã Sa Pả (Sa Pa) đã xảy ra vụ Tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Vào thời điểm trên, anh Hạng A Câu (SN 2004, thường trú tại xã Sa Pả) điều khiển xe máy mang BKS 24B2-150.50 lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa đã đâm trực diện vào xe ô tô con mang BKS 24A-029.19 do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1989, trú tại TP Lào Cai) điều khiển đi theo hướng Sa Pa - Lào Cai khiến anh Hạng A Câu văng ra va vào một xe ô tô khách lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa. Cú va đập mạnh khiến anh Hạng A Câu tử vong tại chỗ.
Sau vụ tai nạn, người nhà nạn nhân cùng nhiều người dân địa phương đã kéo ra khu vực hiện trường vụ tai nạn gây mất trật tự nhằm mục đích "bắt đền tài xế".
Trao đổi với PV báo Kiến Thức, ông Giàng A Sàng, Chủ tịch UBND xã Sa Pả (Sa Pa) cho hay, thời điểm đó, người nhà nạn nhân và người dân kéo ra hiện trường đòi tài xế lái xe ô tô con phải bồi thường 400 triệu đồng vì đã làm chết người.
Mặc dù lực lượng chức năng đã tiến hành thuyết phục nhưng nhiều người dân, người thân nạn nhân, trong đó, có một số người say rượu tiếp tục ra có hành vi gây mất trật tự, cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, yêu cầu phải bồi thường ngay, dẫn đến ùn tắc giao thông. Sau đó, lực lượng chức năng đã mời gia đình nạn nhân và tài xế xe con ra khu vực khác để tiến hành việc thỏa thuận bồi thường.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, cần xác định lỗi của các bên tham gia giao thông mới có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Người nào vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Thơm, nếu lái xe không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó 2 bên tự thỏa thuận bối thường dân sự. Nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ phân xử.
Cũng chia sẻ với PV Trí thức trẻ, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội) bày tỏ quan điểm rằng, việc gây sức ép tài xế phải bồi thường mà không có bất kì một quyết định nào của cơ quan nhà nước khi chưa có sự phân giải của pháp luật, lợi dụng đông người gây sức ép, gây khó khăn, buộc tài xế phải bồi thường dẫn đến có dấu hiệu của hành vi "cưỡng đoạt tài sản".
Bên cạnh đó, việc người dân để thi thể nạn nhân ở giữa nơi công cộng, giữa lòng đường dẫn đến ùn tắc giao thông đã có dấu hiệu của hành vi gây rối trận tự công cộng theo qui định của điều 318 Bộ luật hình sự.
Đối với một số người dân có hành vi gây mất trật tự, cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, cản trở điều tra giải quyết tai nạn giao thông thì tùy theo tính chất, mức độ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Chống người thi hành công vụ, theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.