Bà Ngọt khẳng định, ông Afolayan Caleb - chồng bà đến Việt Nam để dạy tiếng Anh thông qua công ty Úc Đại Lợi nhưng cơ quan chức năng lại kết luận, người này làm việc tại công ty... không có thật.
Liên quan tới vụ việc phân xử số tiền 5 triệu Yên mà chị ve chai nhặt được trong thùng loa cũ, cơ quan chức năng TP HCM đã đề nghị phía Nigeria xác minh lý lịch người chồng ngoại quốc của bà Ngọt.
Trước đó, theo tin tức mà bà Ngọt cung cấp, bà có chồng tên Efolayan Caleb (SN 1957, quốc tịch Nigeria), giảng viên dạy tiếng Anh và từng có thời gian từ năm 2003 đến 2005 dạy tiếng Anh và phụ bán ô tô tại Nhật Bản. Đến năm 2009 chồng bà đến Việt Nam trực tiếp giảng dạy tiếng Anh ở một số trường cấp 2 và trung tâm ngoại ngữ.
Trong khoảng thời gian này, bà Ngọt được một người giới thiệu gặp ông Efolayan Caleb, sau đó hai người kết hôn, được sự chứng nhận hợp pháp của cơ quan chức năng nước Negiria, hai vợ chồng bà tạm trú tại huyện Hóc Môn.
Bà Ngọt cho biết, trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, chồng bà làm giáo viên với chức danh “cử nhân giáo dục” công tác tại công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2013. Tuy nhiên, kết quả xác minh của cơ quan chức năng về địa chỉ làm việc của ông Efolayan Caleb tại Việt Nam lại khiến không ít người bất ngờ.
Số phận của 5 triệu Yên trong thùng loa cũ vẫn còn để ngỏ |
Cụ thể, bà Ngọt khai báo, trụ sở công ty Úc Đại Lợi nơi chồng bà trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Anh có địa chỉ trên đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12. Tuy nhiên tại địa chỉ này, cơ quan chức năng xác định, từ năm 2010 đến nay (5/2015), hoàn toàn không có công ty Úc Đại Lợi nào hoạt động.
Theo đó, trong khoảng thời gian này, chỉ có công ty DV bảo vệ (từ 2010 đến 5/2013) và một công ty mua bán máy móc, thiết bị phụ tùng (từ năm 2013 đến nay) thuê mặt bằng tại địa chỉ trên để hoạt động, kinh doanh.
Như vậy, công việc cụ thể cũng như địa chỉ làm việc của ông Efolayan Caleb - người được bà Ngọt nhận định là chủ của số tiền 5 triệu Yên đã làm xuất hiện nhiều thông tin khó hiểu. Và một khi địa chỉ cơ quan của ông Efolayan Caleb được xác định là không có thật thì nguồn gốc của số tiền 5 triệu Yên mà bà Ngọt khẳng định là của chồng mình cũng trở thành một dấu hỏi lớn.
Không những thế, trong quá trình xác minh lý lịch của ông Efolayan Caleb, phía Nam Phi xác nhận hộ chiếu mang tên Afolayan Caleb là giả và đối tượng này đã kịp xuất cảnh rời Việt Nam qua cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 14/6/2013 đúng thời điểm thẻ lưu trú và giấy phép lao động hết hạn.
Vì vậy, với việc nhập cảnh, cư trú bằng hộ chiếu giả, làm việc tại công ty không có thật, chân dung người chồng ngoại quốc của bà Ngọt dần hé lộ. Và dư luận bỗng đặt dấu hỏi về nguồn gốc của số tiền mà bà Ngọt nhận là của chồng mình, vì không ai rõ, trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, công việc cụ thể của người này là làm gì để có thể có được số tiền 5 triệu Yên cất trong đôi loa.
Được biết, hôm 13/5, bà Phạm Thị Ngọt đã đến công an quận Tân Bình cung cấp thêm một số giấy tờ liên quan đến số tiền 5 triệu yên vắng chủ.
Cụ thể, các giấy tờ đó gồm: Giấy phép lao động do Sở Lao động thương binh và xã hội cấp cho ông Caleb làm giáo viên tại công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi thời hạn từ tháng 6-2010 đến tháng 6-2013; giấy tạm trú do Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an TP.HCM cấp cho ông Caleb cũng từ thời gian từ tháng 6-2010 đến tháng 6-2013. Tuy nhiên, toàn bộ giấy tờ này chỉ là các bản phô tô.
Vũ Đậu