Trong khi Cục bảo vệ thực vật khẳng định táo để 9 tháng không hỏng là chuyện bình thường thì Viện nghiên cứu Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch bác hoàn toàn kết luận trên.
Liên quan đến thông tin vừa qua đăng tải trên nhiều tờ báo, trang mạng phản ánh lê, táo nhập khẩu để 5 tháng, thậm chí 9 tháng vẫn không hỏng, đồng thời cho rằng, chỉ có chất độc bảo quản mới giúp cho hoa quả tươi lâu, ông Nguyễn Xuân Hồng (Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) khẳng định, táo để 9 tháng không hỏng là chuyện bình thường.
Theo phân tích của ông Hồng, quả lê và quả táo hoàn toàn có thể giữ được lâu nếu được sản xuất trong điều kiện không bị nhiễm vi sinh vật, sau khi thu hoạch được xử lý bằng chất bảo quản an toàn và lưu trữ ở trong các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Thời gian tươi của trái cây hoàn toàn có thể kéo dài từ 6 đến 10 tháng, thậm chí cả năm. Do vậy, chưa thể vội kết luận đó là do chất bảo quản độc hại.
“Nhiều năm qua, Cục Bảo vệ thực vật đã phân tích các loại táo, lê nhập khẩu vào Việt Nam và chúng tôi chưa phát hiện nguy cơ do việc sử dụng chất bảo quản độc hại trên các loại quả này” – ông Hồng cho biết.
Khẳng định của ông Hồng được đưa ra vào hôm 29/9 thì chưa đầy 4 ngày sau, Viện nghiên cứu Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch nêu ý kiến phản bác.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, "đừng quá hoang mang khi trái cây để mãi không hỏng" (Ảnh: VTV)
Tiến sĩ Trần Thị Mai – Cán bộ của Viện khẳng định: "Chưa có tài liệu nào cho thấy táo để trong điều kiện bình thường, nhất là ở điều kiện gió mùa nhiệt đới ẩm như Việt Nam lại 9 tháng không hỏng".
Bà Mai cảnh báo, hiện nay, loại hóa chất độc hại thường được sử dụng nhiều trong bảo quản hoa quả là 2,4D. Đây là thuốc diệt cỏ rất độc hại, có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì lợi ích kinh doanh đã đưa vào trái cây với mục đích kích thích sinh trưởng và bảo quản được lâu hơn, giúp lớp bọc bên ngoài xanh mơn mởn.
"Chất bảo quản độc hại này có thể giúp trái cây tươi lâu, nhưng rất nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng", bà Mai nói. Còn những chất bảo quản an toàn được phép sử dụng thường không thể giúp trái cây nguyên vẹn trong 9 tháng, cần nhiều biện pháp tổng hợp mới có thể làm được.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng nhận định, trong điều kiện bình thường tức là điều kiện con người đang sống thì không quả nào bảo quản được trong 9 tháng, cũng không có hóa chất hay phương pháp công nghệ thông thường nào để trái cây trong 9 tháng mà không hỏng.
Cùng một vấn đề nhưng hai kết luận của hai cơ quan chức năng đưa ra lại trái ngược nhau. Người dân hoang mang không biết nên tin vào kết luận nào.
Liên quan đến việc kiểm định, phân tích tìm hóa chất bảo quản trong hoa quả nhập khẩu, các chuyên gia đều chung quan điểm là khó có thể thực hiện vì chất bảo quản có đến hàng trăm dư lượng chất, trong khi điều kiện Việt Nam còn hạn chế. Theo ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có đến 2.000 loại hóa chất bảo quản nhưng Viện này mới kiểm nghiệm được 600 loại.
Theo Vũ Đậu tổng hợp (Người đưa tin)