Liên quan đến vụ "Nữ giám đốc thuê người tiêm máu HIV vào con của tình địch" nhưng được đình chỉ điều tra với lý do bệnh tâm thần, luật sư cho rằng đại diện người bị hại có quyền khiếu nại để yêu cầu giám định lại.
Vụ án thuê người tiêm máu HIV vào con tình địch đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định: Có thể nói rằng vụ “thuê người tiêm máu HIV vào con của tình địch” xuất phát từ nguyên nhân ghen tuông là vụ án gây rúng động dư luận. Có lẽ ai cũng mong muốn kẻ gây tội ác phải chịu sự trừng phạt của pháp luật để đảm bảo công bằng và đảm bảo răn đe, phòng ngừa chung.
Hình minh họa |
Tuy nhiên, theo nội dung kết luận giám định được đăng tải trên báo chí thì tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bị cáo không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì bị cáo Thảo sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự, không phải chịu chế tài của pháp luật mà chỉ phải bị áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh. Cụ thể, khoản 1, Điều 13, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định như sau: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh".
Luật sư Cường phân tích thêm, thực tế có nhiều dạng tâm thần, trầm cảm cũng là một dạng biểu hiện tâm thần nhưng người mắc bệnh tâm thần phải ở mức độ "mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi" thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Với thông tin vụ án thì đối tượng Thảo có những hành vi rất táo tợn, manh động và tinh vi, thể hiện thủ đoạn tàn nhẫn... Vì vậy, dư luận không thể không nghi ngờ về kết quả giám định tâm thần. Một người mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thì sẽ không thể sinh hoạt một cách bình thường được, thậm chí không biết mình là ai...
“Nếu bị cáo không có biểu hiện tâm thần khi gây án mà khi bị bắt mới có biểu hiện tâm thần, yêu cầu giám định và kết quả là mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi phạm tội thì người bị hại, đại diện người bị hại có quyền khiếu nại với kết quả giám định đó để yêu cầu giám định lại” - Luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường cũng cho biết thêm, nếu cơ quan giám định tâm thần trong trường hợp này tiêu cực, không khách quan để cho ra kết quả bị cáo mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thì người có liên quan đến việc giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu kết quả giám định tâm thần lại vẫn không thay đổi, thể hiện kết quả giám định tâm thần lần 1 là hoàn toàn khách quan, đúng với tình trạng bệnh lý của can phạm thì việc cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Điều 13 BLHS để loại trừ trách nhiệm hình sự cho cá nhân bị cáo (Thảo) là có căn cứ pháp lý.
"Vì vậy, trong vụ việc này, đại diện gia đình người bị hại có quyền khiếu nại về kết quả giám định, yêu cầu giám định tâm thần lại với bị cáo Thảo để tránh bỏ lọt tội phạm, đồng thời có căn cứ để xác định những sai phạm trong giám định tâm thần hiện nay (nếu có)", ông Cường nhắc lại.
Báo Tuổi trẻ dẫn kết quả điều tra cho hay, đầu năm 2014 khi ở Hà Nội, Đào Thị Thu Thảo (35 tuổi, trú tại Hà Nội) nhận được thông tin bạn trai mình (ở Vũng Tàu) quan hệ tình cảm và có con với một người phụ nữ khác. Thu Thảo đã tìm thuê công ty thám tử xác minh thông tin, lên kế hoạch bắt cóc, chích máu nhiễm HIV vào đứa trẻ - con của tình địch để trả thù. Tuy nhiên, do giám định cho rằng Thảo bị tâm thần, Viện KSND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đình chỉ điều tra với Thảo, chỉ truy tố hai đồng phạm đã giúp sức bà Thảo thực hiện âm mưu trả thù với gia đình tình địch là Lê Trung Linh - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thông tin Phi Ưng và Huỳnh Văn Thế. Theo cáo trạng, sau khi thực hiện các kế hoạch của Thảo, đầu tháng 4/2016, Huỳnh Văn Thế còn nảy sinh ý định cưỡng đoạt tài sản của người mẹ nạn nhân. Vì nắm rõ lai lịch gia đình, những sự kiện từng xảy ra với gia đình mẹ nạn nhân, nên Thế nhắn tin với nội dung đe dọa có người muốn gây hại cho gia đình chị này và yêu cầu phải đưa cho Thế 150 triệu đồng thì Thế sẽ giúp chị không bị người khác gây hại. Lo sợ, chị này đã đưa cho Thế gần 15 triệu đồng vào tối 5/4/2016. Khi Thế nhận tiền của nạn nhân thì bị công an bắt quả tang, từ đó làm ra vụ án trên. Ngoài tội danh “cố ý truyền HIV cho người khác”, Thế bị truy tố thêm tội “cưỡng đoạt tài sản”. |
Tiểu Phương (ghi)