Từ vụ tai nạn đau lòng xảy ra vào sáng ngày 29/2 tại Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội , cướp đi sinh mạng của 3 người, trong đó có 1 cháu bé 6 tuổi, và các vụ tai nạn trước đó, soi chiếu vào các quy định trong luật thì thấy dẫu có cả một “rừng luật” thì cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu xã hội không có tinh thần thượng tôn pháp luật.
Điều 4 của Luật Giao thông đường bộ quy định: Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Các hành vi bị nghiêm cấm cũng quy định rất rõ ở Luật này: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu.Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Hiện trường vụ tai nạn. |
Tất cả các quy định trong luật cũng chỉ với mục đích đưa giao thông vào trật tự, và cao hơn, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, cho xã hội. Thế nhưng, thực tế thời gian qua cho thấy, dường như đang có sự coi thường, khinh nhờn pháp luật khi ở đâu, chỗ nào cũng thấy sự vi phạm pháp luật, cố tình tự đặt mình ra khỏi pháp luật.
Và khi phạm luật, người vi phạm sẵn sàng chống đối, lăng mạ lực lượng cảnh sát, người thực thi công vụ. Hậu quả là những vụ tai nạn chết người xảy ra liên tục. Như vụ xe Camry đâm chết 3 người xảy ra mới đây tai Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội đã gây chấn động xã hội. Theo thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra quận Long Biên, người lái chiêc Camry gây tai nạn được xác định là Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1977. Vinh điều khiển phương tiện mà không có bằng lái, và trong tình trạng vừa sử dụng chất kích thích.
Theo số liệu của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của trên 10.000 người, làm bị thương cũng chừng đó. Báo cáo thống kê của Viện nghiên cứu giao thông Đại học Michigan UMTRI Mỹ cho thấy những con số đáng ngại, ở Việt Nam, số lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông và tỷ lệ người chết vì Tai nạn giao thông trên 100 000 người dân cao hơn mức trung bình của thế giới (thế giới: 18 người, Việt Nam 24 người).
Giải thích về sự nhờn luật, "sống ngoài" pháp luật này, có nhiều ý kiến cho rằng, vấn nạn này đến từ nhiều nguyên nhân như: Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội; chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh.
Bên cạnh đó, theo số liệu của JICA, 90% số vụ tai nạn giao thông xảy ra không phải tại cơ sở hạ tầng mà do lỗi con người.
Một gia đình đi xe máy, người chồng vừa lái xe vừa nhắn tin, phía trước có một đứa con, phía sau chở một đứa nữa và người vợ, cả nhà đều không đội mũ bảo hiểm… nhìn không khác nào là đi tự sát….
Những vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây nên cũng không còn gì là xa lạ với người dân Việt Nam, đặc biệt càng gần những ngày lễ, Tết, tỷ lệ người tử vong, bị thương do tai nạn giao thông càng tăng cao.
Hãy nhìn lại câu chuyện về thần đồng Michael Phelps, người mang về cho nước Mĩ 61 huy chương vàng bơi lội quốc tế, đã bị phạt 1 năm tù vì tội lái xe sau khi uống rượu, dù anh chưa gây tai nạn. Phelps được toà cho chọn hình thức thử thách 18 tháng - dạy bơi cho trẻ em khuyết tật, mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ dưới sự giám sát của cảnh sát, thay cho tù ngồi. Tuy nhiên bị cấm thi đấu 6 tháng. Phí mời anh tham gia các giải đấu là triệu đô. Các nhà tài trợ lập tức cắt tiền quảng cáo. Thiệt hại về tiền đối với anh lên đến cả chục triệu USD. Không đơn giản nộp 15 triệu VNĐ là xong.
Anh còn phải tham gia 1 khoá cai rượu 45 ngày. Nếu trong 18 tháng thử thách mà anh có 1 lần uống rượu thì phải tù ngồi đủ 12 tháng.
Còn ở Việt Nam, những người vi phạm giao thông bị phạt một lần thì vẫn có thể vi phạm lần 2, có thể do mức phạt quá thấp, chưa đủ sức răn đe và tự bản thân những người vi phạm giao thông họ vẫn cố ý vi phạm.
Không ai không sợ tai nạn, nhưng thói quen phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường… dường như luôn lấn át sự sợ hãi. Khi nỗi sợ hãi đã trở thành thứ yếu thì chuyện vi phạm pháp luật về giao thông sẽ trở thành “câu chuyện thường ngày” của không ít người. Và cứ thế, những tai nạn giao thông để lại hậu quả thảm khốc tiếp tục diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Biết rằng, để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn giao thông, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật mới lẫn sửa đổi. Chính phủ cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chưa kể các bộ ngành ở trung ương và chính quyền ở địa phương cũng ban hành rất nhiều quy định khác. Nhưng rõ ràng, chỉ khi nào tính thượng tôn pháp luật được đề cao, "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” không còn là khẩu hiệu hô hào mà thực sự là hành xử của người dân và những người có trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành giao thông, thực thi luật pháp, cầm cân nảy mực, khi ấy, trật tự xã hội, an toàn giao thông mới được đảm bảo!
Theo thống kê mới nhất của Cục Cục cảnh sát Đường Bộ - Đường sắt – Bộ Công an, trong năm 2015, cả nước xảy ra 22.827 vụ tai nạn giao thông, giảm 11,07%, tai nạn giao thông làm 8,727 người chết 21.069 người bị thương. Hai tháng đầu năm 2016 (tính từ ngày 16/12/2015 đến 15/02/2016), toàn quốc xảy ra 3.618 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.590 người, làm bị thương 3.367 người. |
Thu Trang