Cả chục người, già trẻ gái trai tập trung xếp hàng để chờ tới lượt mình được những ông thầy bói “xem một quẻ”…
Ban tổ chức nói chưa phát hiện…
Chúng tôi đến với lễ hội chùa Hương vào ngày 15/2, một ngày đẹp trời cho những chuyến du ngoại đầu xuân ở chốn linh thiêng nơi đây. Nơi đây, hàng năm đón hàng triệu khách về mỗi dịp lễ hội. Từ đó, cũng có không ít những hình thức gây phản cảm trong xã hội, tiêu biểu trong đó là tệ nạn mê tín dị đoan, bói toán, dâng sao giải hạn.
Qua trao đổi với BTC lễ hội chùa Hương về vấn đề mê tín dị đoan, tại lễ hội năm nay, ông Trịnh Thế Thắng đại diện BTC cho biết: “Bằng công tác quản lý, giám sát gắt gao cộng với công tác tuyên truyền cho tới thời điểm này (15/2) may mắn là chúng tôi chưa phát hiện được một trường hợp nào hành nghề mê tín dị đoan tại lễ hội”.
Tuy nhiên, khi nhóm phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đi khảo sát thực tế thì thực trạng này vẫn còn tồn tại và gây ra không ít phản cảm cho du khách thập phương.
Sau khi vào chùa Thiên Trù, chúng tôi bắt đầu đi bộ lên động Hương Tích, đi được khoảng 200 thì thấy một cái lán, bên trong có 3 chiếc giường được bày trí đơn sơ bằng những cây tre và gỗ, ở trên 3 chiếc giường ấy là 3 người đàn ông trạc 60 tuổi. Bên ngoài lán là 1 biển hiệu làm đơn sơ bằng xốp: “Đất ở, âm phần, mồ mả, tình duyên, công danh”.
Xem tướng số tại chùa Hương. |
Thấy chúng tôi đứng lại nhìn, 3 người đàn ông thay nhau mời mời gọi: “Vào đây chơi cháu, vào đây bác xem cho”.
Tôi liền đáp: “Cháu có biết xem cái gì đâu!”. Người đàn ông ngồi ngoài nhanh miệng đáp: “Không biết xem cái gì thì vào đây uống nước, công danh, sự nghiệp tình duyên… thiếu gì cái để xem”...
Khi lên tới gần động Hương Tích, chúng tôi lại bắt gặp một người đàn ông khác, lần này là 1 cụ già trạc 70 tuổi với mái tóc bạc và bộ râu dài. Vẫn với một tấm biển mời chào: “Xem tướng số, chỉ tay”. Có khoảng hơn 10 người đứng chờ để đến lượt mình.
Một người phụ nữ là du khách đến từ Nghệ An nói với tôi: “Có muốn xem thì đợi còn nhiều lắm, cụ này xem chuẩn lắm!?”.
Nhìn tay đoán họ hàng 5 đời
Bên phía trong là người phụ nữ đang đưa bàn tay của mình lên để cho ông thầy bói xem xét, khuôn mặt thoáng lên nét sợ sệt khi nghe ông thầy bói nói mình cao số, phải về làm lễ… dâng sao giải hạn.
Ông thầy bói tiếp tục nâng bàn tay người phụ nữ lên, nhìn và ngắm nghía rồi tiếp tục nói tất cả mọi thứ về tình duyên, mồ mả, tướng mạo... cho đến họ hàng 5 đời có mấy người chết trẻ. “Nhà cô có người chết trẻ, hiện tại đang bị thất lạc ở xa lắm, bây giờ về bảo gia đình tìm lại nếu không thì làm ăn không thuận”, ông thầy bói nói với người phụ nữ.
Khách thập phương thay nhau chờ đến lượt để xem bói. |
Hết người này, ngay lập tức có người khác ngồi vào, ông thầy bói nói với một cậu thanh niên tầm 20 tuổi: “Cháu ngồi vào đi, các bác xem vân tay dựa trên khoa học, chứ không phải là mê tín dị đoan!?”.
Thấy người thanh niên ngồi một lúc mà chưa “đặt lễ”, ông thầy bói nhắc khéo: “Cháu đặt lễ đi cho có linh thiêng, tùy tâm của cháu nhưng ít nhất là 50 nghìn đấy”.
Cũng như người phụ nữ trước, người thanh niên này tiếp tục được ông thầy bói nhìn bàn tay và đọc ra tất cả mọi chuyện, từ "thì quá khứ" cho đến… "thì tương lai". Cứ như thế, vẫn tiếp tục có những người khác chờ đến lượt mình để được ông thầy bói xem cho một quẻ...
Chúng tôi đem câu chuyện này kể với người phụ nữ lái đò, bà này nói: “Các ông này toàn là người địa phương đây cả, ngày thường thì ở nhà làm ruộng, hay bán hàng. Dịp lễ đến thì lên trên này hành nghề thầy bói. Bao nhiêu năm nay rồi các ông ấy vẫn hành nghề ở đây. Một ngày mỗi ông phải kiếm được 4,5 triệu đồng. Người ít thì 50 nghìn, người nhiều thì vài trăm”.
Công Luân