Trong buổi giao lưu sáng nay trên Dân trí, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã giải đáp những thắc mắc của học sinh và phụ huynh xoay quanh vấn đề xét tuyển đại học.
Năm nay, năm đầu tiên cải cách thi cử, các thí sinh và phụ huynh đều hồi hộp. Học sinh biết kết quả thi, nhận giấy báo điểm rồi chọn trường phù hợp. Những mong như vậy sẽ tốt hơn, biết được điểm của mình ở mức độ nào mà nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học 2015, lại được đăng ký nhiều nguyện vọng, nên sẽ ít rủi ro hơn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải về việc nộp hồ sơ xét tuyển đại học |
Không ngờ mọi chuyện lại chẳng trơn tru thế. Thí sinh biết điểm rồi, nên cuộc đua vào các trường top trên cực kỳ gay cấn. Ngay từ 3 ngày đầu, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH như Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương… đã đông thí sinh đến nộp hồ sơ. Nhìn điểm của các thí sinh đã nộp cao chót vót, nhiều bạn điểm không cao bằng cảm thấy hoang mang.
Phụ huynh và thí sinh có khoảng 20 ngày hồi hộp, căng thẳng như ngồi trên đống lửa. Ngày nào cũng mở bảng xếp hạng mấy trường, tính tính toán toán, mà vẫn chẳng có căn cứ nào thực sự đáng tin cậy để tránh rủi ro mà vẫn tương đối đạt được nguyện vọng của mình. Chẳng khác nào “chơi chứng khoán”.
Trước thực trạng trên, trong buổi giao lưu trực tuyến trên Dân trí sáng nay, Bộ trưởng Bộ DG-ĐT Phạm Vũ Luận lý giải: “Công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho các cháu các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt đại học nhưng người có điểm thấp lại đỗ như những năm trước đây”.
Việc Bộ yêu cầu các trường cung cấp thông tin xét tuyển của các trường công khai, cập nhật liên tục để học sinh, phụ huynh có thông tin và phán đoán được khả năng trúng tuyển để giữ nguyên hoặc thay đổi nguyện vọng đăng ký giúp phụ huynh và học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn và do đó sẽ vất vả hơn năm trước.
Ông Luận cho rằng các thí sinh có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào một trường và chờ công bố kết quả như những năm trước. Việc này tùy thuộc vào quyền lựa chọn của thí sinh.
“Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước là nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả. Bộ Giáo dục muốn các cháu chủ động cập nhật thông tin và cân nhắc lựa chọn để có quyết định phù hợp cho bản thân mình”, Bộ trưởng Luận lý giải.
Lê Vy (tổng hợp)