Tăng cơ hội ngành an toàn, an ninh thông tin, giảm chỉ tiêu ngành kinh tế tài chính là một trong những xu hướng nổi bật của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Đến thời điểm này nhiều trường đã tự điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng này.
Giảm chỉ tiêu đào tạo kinh tế, tài chính
Một trong những định hướng thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2014 của Bộ GD-ĐT là cảnh báo về nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh đã vượt so với quy hoạch nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội khiến sinh viên các ngành này khó tìm được việc làm. Với cảnh báo này, năm 2013, số thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh đã giảm 10% so với năm trước.
Thực tế, tại các trường ĐH, CĐ, việc chuẩn bị phương án tuyển sinh và dự kiến chỉ tiêu để trình Bộ GD-ĐT đang được tiến hành với hướng điều chỉnh tăng giảm khá rõ. Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT cho biết, năm nay trường sẽ tuyển 1.500 chỉ tiêu, ít hơn 200 so với 2013 và sẽ giảm chỉ tiêu các ngành tài chính, ngân hàng. Trường này sẽ sơ tuyển vào tháng 4, tháng 8 và thi ba chung theo quy định của Bộ GD-ĐT. ĐH Thăng Long năm 2014 sẽ tuyển 1.900 sinh viên, tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2013. Tuy nhiên, trường này sẽ giảm chỉ tiêu khối kinh tế, tăng chỉ tiêu các ngành công nghệ thông tin, khoa học xã hội nhân văn.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2013, một số ngành đào tạo có hồ sơ đăng ký dự thi tăng như: nhóm ngành khoa học giáo dục (tăng 3,1%), khoa học sức khỏe (tăng 1,7%), công nghệ kỹ thuật (tăng 0,5%), kỹ thuật môi trường và bảo vệ môi trường (tăng 1,4%)… Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, có thể thấy rõ cơ cấu ngành nghề đào tạo đang được điều chỉnh phù hợp với xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường theo hướng giảm sinh viên theo học các ngành kinh tế và quản lý; tăng số lượng thí sinh các ngành nghề xã hội có nhu cầu; tỷ lệ sinh viên theo học các hệ không chính quy tiếp tục giảm.
Đầu tư lớn cho an ninh thông tin
Một trong những ngành có nhu cầu nhân lực lớn và nhận được sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước hiện nay là an toàn, an ninh thông tin. Cụ thể, là việc Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin, An toàn, an ninh thông tin vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án là 470 tỷ đồng. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, đào tạo được 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao.
Cũng theo Đề án này, học sinh, sinh viên khá giỏi sẽ được hưởng Chính sách ưu tiên khi theo học ngành, chuyên ngành này, trong đó có việc xem xét miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên, xây dựng quỹ học bổng và các giải thưởng khuyến khích tài năng, tài trợ cho sinh viên công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, để cân đối nguồn lực tương lai, Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ nhiều trường xây dựng và mở một số ngành đào tạo mới, trong đó có ngành An toàn và an ninh thông tin. Đặc biệt, với các cơ sở đào tạo trọng điểm về ngành này sẽ được đầu tư, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu về an toàn, an ninh thông tin.
Ngoài việc khuyến khích thí sinh đăng ký dự thi và theo học các ngành, chuyên ngành đào tạo về CNTT, an toàn, an ninh thông tin thì Đề án nguồn nhân lực CNTT, an toàn, an ninh thông tin còn bao gồm việc xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi đầu ra, thu hút các chuyên gia CNTT và an toàn, an ninh thông tin giỏi làm việc cho các cơ quan Nhà nước; nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mức lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, tổ chức nhà nước theo chế độ đối với cán bộ cơ yếu làm việc trong các tổ chức cơ yếu của Nhà nước. Theo các chuyên gia tuyển sinh, đây sẽ là cơ hội lớn cho các thí sinh ngay từ mùa tuyển sinh 2014.
Tám trường tuyển sinh riêng Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ được tổ chức tuyển sinh riêng nhằm thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh.Đến nay đã có tám trường gửi đề án tuyển sinh riêng, trong đó nhiều trường thay đổi toàn bộ nhưng có trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Theo đó, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đề xuất tuyển sinh khối V1, H1. Với khối V1 sẽ thi các môn toán, vẽ mỹ thuật, ngữ văn; còn khối H1 thi các môn toán, vẽ trang trí màu, ngữ văn… Theo lãnh đạo trường, với việc thi các môn trên, trường sẽ đánh giá được năng lực của thí sinh một cách toàn diện hơn, chọn được thí sinh phù hợp nhất cho quá trình đào tạo của các ngành trong trường. ĐH Quốc tế Sài Gòn không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển dưới hai phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả thi ĐH, CĐ hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ và xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập bậc THPT. Trường ĐH Thành Đông cũng tuyển sinh theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả điểm trong ba năm học THPT hoặc dựa trên kết quả phỏng vấn trực tiếp nhằm phát hiện năng lực thực tiễn, khả năng tư duy, sở trường, năng khiếu và các kỹ năng khác của thí sinh. Trường ĐH Đồng Tháp vẫn thi “ba chung” ngoại trừ bảy ngành ĐH, CĐ sẽ thực hiện xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Trường ĐH Vinh cũng sẽ có ba ngành xét tuyển với tiêu chí tốt nghiệp THPT (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12), có tổng điểm các môn toán, hóa, sinh đạt 90 điểm trở lên, đạo đức xếp loại khá trở lên. Có ba trường CĐ có phương án riêng là Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội thi tuyển các ngành văn hóa theo đề án tuyển sinh riêng của trường. Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Nghệ An vẫn thi tuyển các ngành văn hóa theo kỳ thi chung của Bộ tổ chức, tuy nhiên các ngành năng khiếu sẽ thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Trong khi đó, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Thái Bình không tổ chức thi tuyển các ngành văn hóa mà xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH, CĐ của thí sinh tại các trường theo kỳ thi chung do Bộ tổ chức. |
Theo Người đưa tin