Đối với các cầu thủ U23 Việt Nam, thầy Park giống như một người cha, người anh hết mực quan tâm và hiểu về học trò. Những lời nói của người cầm quân Park Hang -seo được coi là liều thuốc tinh thần cực mạnh giúp khích lệ toàn đội vượt qua khó khăn để giành chiến thắng.
Dân Trí cho hay Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức - 2 cầu thủ CLB Sông Lam Nghệ An không phải là sự lựa chọn ban đầu của vị nhạc trưởng người Hàn Quốc.
Thầy trò HLV Park Hang-seo. Ảnh: Dân Trí. |
Theo đó, cả hai đều được gọi bổ sung vào đội tuyển sau khi các cầu thủ khác đã có thời gian luyện tập cùng nhau khá lâu.
Tuy nhiên, những gì hai cầu thủ Nghệ An thể hiện trong giải đấu vòng chung kết U23 vừa qua đã khẳng định những lựa chọn vào phút cuối của HLV trưởng Park Hang-seo là chính xác.
Cả hai tuyển thủ này đều dành những tình cảm và ngôn từ đẹp nhất khi nói về người thuyền trưởng của mình.
"Em cảm ơn thầy Park Hang-seo đã triệu tập em lên đội tuyển và tin tưởng, trao cho em cơ hội để em thể hiện mình. Thầy Park là người hiền, vui tính và đặc biệt là rất biết truyền lửa cho học trò", cầu thủ Phan Văn Đức cho hay.
Xuân Mạnh cũng tiết lộ về hành động của HLV Park Hang-seo "Khi mỗi trận đấu kết thúc, thầy Park đều ôm lấy các cầu thủ và thơm lên má mỗi người”.
Sự gần gũi và biết “đánh trúng tâm lý” của thầy Park như chất xúc tác kết nối các thành viên, biến đội tuyển thành một khối đoàn kết, thống nhất, nỗ lực không mệt mỏi trong từng trận đấu.
Tiền Phong cho biết năm 2007, sau khi vượt qua hơn 30 cầu thủ, Xuân Mạnh đã cùng Phan Văn Đức trở thành 2 trong 3 cầu thủ gốc Yên Thành lọt qua vòng cửa để bước vào lò đào tạo SLNA. Ngày Xuân Mạnh háo hức vào lò SLNA đào tạo, cũng là quãng thời gian túng bấn của gia đình. Mạnh cần mua giày để tập luyện, thi đấu, nhưng gia đình không có tiền nên ông Linh đã phải chạy gấp sang hàng xóm mượn tiền mua giày. Đáp lại lời đề nghị giúp đỡ, hàng xóm đã từ chối: “Chú tiền mô trả lại mà đòi mượn tiền mua giày”.
|
Xuân Mạnh và Phan Văn Đức - 2 cầu thủ Sông Lam Nghệ An được huấn luyện viên Park Hang-seo triệu tập bổ sung vào đội tuyển U23 Việt Nam. Dù là "người đến sau" nhưng cả hai cầu thủ này đều không để thầy Park và người hâm mộ thất vọng. Ảnh: Dân Trí |
Câu nói đó khiến ông Linh day dứt mãi. Lúc về, ông đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng vì niềm đam mê của con, ông đã quyết định bán trâu, tài sản lớn nhất của gia đình lúc đó với giá 8 triệu. Một nửa số tiền dành cho Xuân Mạnh mua giày và kinh phí vào lò SLNA học tập, một nửa còn lại để dành tích cóp mua trâu mới.
Sống trong ngôi nhà xập xệ suốt một thời gian dài, đến năm 2015, ông Linh quyết định vay tiền xây nhà mới. “Ra ngân hàng vay tiền, họ bảo Mạnh chưa có gì nên không dám cho vạy”, ông nói. Cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của anh em, hàng xóm, ông Linh đã xây được ngôi nhà thoáng đãng, khang trang hơn.
Tại SLNA, Xuân Mạnh chỉ nhận mức lương khiêm tốn 6 triệu đồng mỗi tháng.
Trước đó, anh chỉ nhận 3,6 triệu đồng mỗi tháng khi còn thi đấu cho đội trẻ.
Nhưng bắt đầu từ năm 2017, khi được đôn lên đội 1 SLNA và thường xuyên ra sân mức lương của cậu đã lên 8 triệu đồng và bắt đầu có khoản dư. Cầu thủ người Yên Thành tiết kiệm gần như toàn bộ số tiền kiếm được để gửi về quê giúp bố mẹ trả nợ.
Có lẽ, số nợ của gia đình luôn là điều khắc khoải trong tâm trí Phạm Xuân Mạnh. Ngay cả khi U23 Việt Nam đánh bại U23 Qatar để giành vé vào chơi trận chung kết, hình ảnh về ngôi nhà, lo trả nợ cho bố mẹ là hình ảnh cầu thủ này nghĩ đến đầu tiên.
"Nó nhắn là dì ơi, sau giải U23 chắc con có tiền trả nợ hết cho bố mẹ rồi. Rồi thì mình mua cái tivi mới nó cũng nhắn là cứ vay mà mua, về rồi nó trả...", cô Hà xúc động nói.
Tại VCK U23 châu Á, dù chỉ đóng vai là “người thay thế” cho Văn Hậu, và Đỗ Duy Mạnh khi hai cầu thủ này gặp chấn thương, nhưng Phạm Xuân Mạnh đã khẳng định được sự chắc chắn ở tuyến phòng thủ, thi đấu tốt và nhận được sự tin tưởng đặc biệt của HLV Park Hang Seo, giúp U23 Việt Nam vượt qua các đối thủ mạnh và thể hiện được màn trình diễn nhiều cảm xúc.
Hồng Hạnh (tổng hợp)