Khi khoan đến độ sâu 40 m, giếng nước bắt đầu phun trào. Do nước dư thừa nên ông Nguyễn Thành Đức phải khơi dẫn dòng nước tới cánh đồng lúa gần nhà để giải bớt nguồn nước.
Theo tin tức từ báo Phú Yên, nhiều ngày qua hàng trăm người hiếu kỳ tìm đến nhà ông Nguyễn Thành Đức ở xóm Cầu Sắt, thôn Phú Long, xã An Mỹ để xem giếng nước tự phun trào lên khỏi mặt đất mà gia đình ông vừa khoan.
Chia sẻ với PV tờ báo này, ông Đức cho biết, cách đây 10 ngày, gia đình ông đã thuê thợ về khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Khi khoan đến độ sâu 40m, giếng nước bắt đầu phun trào.
Giếng nước tự phun trào nhà ông Đức có thể cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho khoảng 100 hộ gia đình. (Ảnh Báo Phú Yên)
Gia đình đã đặt ống nước có đường kính 14cm từ đáy lên khỏi mặt đất hơn 2m, nhưng sức nước vẫn phun trào khá mạnh. Do vậy, ông phải khơi thông dòng chảy xuống suối Thô để giúp người dân lấy nước tưới cho khoảng 20ha hoa màu ở đồng Muồng.
Với lượng nước tự phun liên tục như hiện nay, giếng nước này có thể cung cấp đủ lượng nước sinh hoạt, sản xuất cho khoảng 100 hộ dân trong vùng.
Giải thích về hiện tượng này trên VOV, ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên nói, hiện tượng nước tự phun trào nói trên là do áp lực tự nhiên. Trước đây, trung tâm từng khoan thăm dò để xây dựng các công trình cấp nước cho nhân dân ở hai xã An Hòa và An Mỹ (huyện Tuy An) cũng có hiện tượng nước tự phun lên.
Như vậy, tính đến nay, khu vực xóm Cầu Sắt đã có 4 giếng khoan nước tự phun trào, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng trăm hộ gia đình. Trong đó, giếng nước của gia đình ông Đức có sức phun trào mạnh nhất (giếng nước tự phun trào đầu tiên phát hiện vào tháng 9/2014).
An Anh