Theo tin tức trên Người lao động, ngày 1/9, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi đoàn liên ngành làm việc với doanh nghiệp được biết hàng chục bức tượng lính này được mua từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương).
"Về mục đích sử dụng thì sở chưa cấp phép xây dựng đối với các bức tượng này. Sau khi làm việc và thống nhất sẽ chỉ đạo doanh nghiệp này vận chuyển toàn bộ số tượng trên về Bình Dương. Tránh trường hợp những thông tin trái chiều, không hay và không đúng bản chất sự việc", trên NLĐ dẫn lời bà Nguyên chia sẻ.
Làm việc với Liên Minh Group về những bức tượng lính trong chiều 31/8, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở VH-TT-DL, Công an tỉnh Lâm Đồng xác định, đây là những tượng cũ mô phỏng quân lính thời phong kiến Việt Nam, do chính khu du lịch Đại Nam chế tác, nhưng nay không còn sử dụng nên Liên Minh Group mua lại 230 tượng đưa lên Đà Lạt. Trong đợt 1, Liên Minh Group đã vận chuyển 57 tượng về tới Khu du lịch Quỷ Núi và số tượng này đang được cất giữ, bảo quản.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một tài khoản Facebook đăng hình ảnh hàng trăm bức tượng lính mô phỏng thời nhà Tần về Đà Lạt kèm theo nội dung: "Được biết có một khu du lịch tại Thành phố Đà Lạt đang xây xựng (dựng - PV) một khu vực được gọi tên Tử Cấm Thành với hàng trăm tượng lính được mô phỏng lại của nước bạn. Cơ quan chức năng Thành phố Đà Lạt cũng cần phải theo dõi, kiểm tra, giám sát... chặt chẽ khu du lịch này".
Chia sẻ thêm về bức tượng này, facebook có tên Đ.N.Q viết: "Vì theo tôi được biết khu vực này đang không có giấy phép xây dựng phim trường hay khu du lịch quy mô lớn như thế này. Xin nhường câu trả lời lại cho cơ quan chức năng TP.Đà Lạt..."
Sau khi bài viết đăng tải đã thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Được biết đơn vị đứng ra thu mua và vận chuyển hàng chục bức tượng lính này chính là Liên Minh Group.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Quang Phúc - Chủ tịch HĐQT-TGĐ Liên Minh Group cho biết: "Phải nói rằng, từ không gian đến hàng ngàn pho tượng mà tôi cũng chỉ mua 230 cái thôi, chúng tôi cũng chưa vận chuyển về hết. Thực chất mới chỉ vận chuyển về hơn 60 cái bị trầy xước, hư hỏng để duy tu lại. Và sẽ còn vận chuyển những chuyến tiếp theo".
Cũng theo ông Phúc, toàn bộ số tượng trên được ông mua từ khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương. Tuy nhiên, chưa kịp làm gì với các pho tượng này thì bị thêu dệt ra nhiều hướng rất bất ngờ và đầy cay nghiệt. Bởi muốn làm thì cũng phải xin phép chính quyền địa phương.
Ông Phúc cũng cho rằng mình mua về dự định sau này sẽ làm 1 tư gia mô phỏng "Tử Cấm Thành" triều Nguyễn giống như ở Huế chứ không có mục đích nào khác.
Trao đổi với Người Lao Động, bà Đ.B.N., nhà nghiên cứu làm việc tại Bảo Tàng tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Thông qua một số hình ảnh, chúng tôi chưa thể khẳng định mục đích của doanh nghiệp là gì? bởi hoa văn trống đồng và chim lạc thì rất nhiều nước đang tranh cãi và nhận là của mình. Riêng chỉ có trống đồng Ngọc Lũ ở nước ta là sắc xảo nhất. Quan trọng là chủ đích của doanh nghiệp này là làm gì? Nếu thể hiện bài bản qua các đời Vua Hùng trong lịch sử như ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) thì không ai nói, nếu biến thể theo hướng khác thì rất nguy hiểm...".