Túi khí trên ôtô bung khi nào? Không thắt dây an toàn túi khí có bung không? Để trả lời những câu hỏi đó, bạn nên tìm hiểu vài điều hữu ích dưới đây về túi khí ôtô.
Những câu hỏi, kiến thức về túi khí luôn là đề tài tranh luận “cực hot” của những người sử dụng ôtô. Mỗi người lý giải theo một hướng khác nhau, ai cũng có cơ sở để khẳng định mình đúng. Thông thường, người sử dụng chỉ hiểu rõ về túi khí trên mẫu xe của mình, nhưng lại sử dụng kiến thức này áp dụng chung khi nói về xe của hãng khác. Do đó, cộng đồng tài xế hay xảy ra những tranh cãi xung quanh túi khí. Dưới đây là 10 câu hỏi thường gặp về túi khí:
1. Ai phát minh ra túi khí ôtô?
Trong ngành công nghiệp ôtô, túi khí lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1941. Phát minh của kỹ sư người Đức tên Walter Linderer và được cấp bằng sáng chế vào cuối năm 1953. Tuy nhiên, do thời gian bơm không đủ nhanh để đảm bảo an toàn nên thiết bị của Linderer không còn hữu ích. Ba tháng sau đó, phát minh tương tự của John W. Hetrick, kỹ sư kiêm lính hải quân Mỹ, được chấp nhận tại quốc gia này.
2. Túi khí làm bằng chất liệu gì?
Chất liệu tạo nên túi khí cho ôtô là loại vải co giãn hoặc một vật liệu đảm bảo được khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe và dễ dàng bung ra khi cần thiết. Trong tình huống xảy ra va chạm, túi khí được bơm phồng gần như ngay lập tức với thời gian chỉ tính bằng mili giây, bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể người trên xe.
Để có phản ứng nhanh nhạy và chính xác của hệ thống bơm, một hệ thống cảm biến được sử dụng để nhận biết những yếu tố cần thiết để bung thiết bị. Do sau khi xảy ra va chạm, các bộ phận trong xe sẽ biến dạng và di chuyển, va đập lẫn nhau nên các cảm biến này đều được lập trình cẩn thận để ghi nhận lực một cách chính xác.
3. Ký hiệu SRS là gì?
Ký hiệu SRS tại những vị trí đặt túi khí trên xe dường như đã trở nên quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa. Đây là tên của loại thiết bị giảm va đập bổ sung, trang bị kết hợp với dây an toàn để giảm thiểu tối đa chấn thương cơ thể.
Sau khi va chạm xảy ra, dây an toàn giúp hãm dần vận tốc theo quán tính của người ngồi trong xe và do đó giảm lực tác động lên người họ. Túi khí SRS đồng thời giúp hạn chế khả năng va đập của vùng đầu với các vật thể khác trong xe và hấp thụ một phần lực ảnh hưởng tới người lái và hành khách.
4. Cơ chế hoạt động của túi khí?
Về cơ bản, túi khí SRS trải qua 3 giai đoạn chính kể từ khi xe gặp va chạm cho đến khi túi khí bung. Đầu tiên, hệ thống điều khiển chính (ACU) điều khiển các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh,... để nhận biết mức độ ảnh hưởng. Khi con số này vượt quá giá trị quy định thì ngòi nổ trong bộ thổi mới đánh lửa.
Tiếp theo, ngòi nổ sản sinh dòng điện có cường độ từ 1A đến 3A trong vòng dưới 2 mili giây để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí để tạo ra lượng khí lớn trong thời gian ngắn. Cuối cùng, túi khí được bơm căng để giảm tác động lực người ngồi trên xe và ngay lập tức khí đó thoát ra ở các lỗ xả phía sau.
5. Có phải cứ va chạm là túi khí bung?
Câu trả lời là tùy trường hợp, không phải cứ đâm là túi khí bung. Có những trường hợp, xe bị va chạm dẫn tới nát đầu trước, nhưng túi khí vẫn không bung, bởi lẽ lúc này những tính toán điện tử của xe cho thấy, chỉ cần dây đai an toàn là đủ bảo vệ người trên xe, mà không cần thiết đến túi khí.
Theo thứ tự phản ứng, khi xe đâm vào vật thể khác, hệ thống khung gầm, thân xe sẽ hấp thụ một phần lực (có thể làm biến dạng), giảm lực tác dụng vào cabin. Sau đó, dây đai an toàn giữ hành khách không lao về phía trước do quán tính. Quá trình phản ứng an toàn sẽ dừng lại tại đây, nếu vụ va chạm không đủ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người trong xe.
6. Vậy túi khí bung khi nào?
Câu trả lời dựa vào nguồn thông tin mà các cảm biến đặt phía trước, trên thân xe đưa về bộ điều khiển trung tâm ECU. Những thông tin đó là tổ hợp của nhiều yếu tố như gia tốc dừng, độ hấp thụ lực, độ biến dạng, xê dịch của các bộ phận cố định trên xe. Nếu ECU tính toán, phân tích nguồn thông tin này cho ra kết quả vụ va chạm đủ mạnh hoặc nguy hiểm đến tính mạng, túi khí sẽ bung.
Việc tính toán "thế nào là nguy hiểm" phụ thuộc vào quan điểm từng nhà sản xuất và đặc trưng từng dòng xe.
7. Phải thắt dây an toàn túi khí mới bung?
Một tranh cãi khác là túi khí có bung không nếu không thắt dây an toàn. Câu trả lời chính xác là tùy xe của từng hãng. Hầu hết xe Nhật, ví dụ Toyota thiết kế hệ thống túi khí và dây an toàn độc lập nhau. Nếu ECU tính toán vụ va chạm đủ nguy hiểm để bung túi khí thì túi khí sẽ bung mà không cần quan tâm tới dây an toàn có cài hay không.
Một số hãng xe Đức như Volkswagen, BMW cũng thiết kế hai công nghệ này độc lập. Thậm chí với BMW, nếu người ngồi trên xe không thắt dây an toàn, túi khí còn bung sớm và nhạy hơn trong trường hợp va chạm xét thấy đủ nguy hiểm.
Tuy nhiên, như Mercedes, hãng xe này lại cấu trúc túi khí và dây an toàn phụ thuộc nhau. Tức là nếu không thắt dây an toàn thì túi khí không bung. Chuyên gia kỹ thuật của Mercedes Việt Nam cho biết, thiết kế túi khí bung khi cài dây an toàn để đảm bảo tổng hợp các phương án bảo vệ người ngồi tốt nhất. Nhưng công nghệ vẫn được thiết lập thông minh để trong trường hợp xe nhận thấy va chạm quá nguy hiểm, dù không thắt dây an toàn thì túi khí cũng vẫn bung.
Có một số hãng thiết kế theo nguyên tắc "túi khí chỉ bung khi thắt dây an toàn" và đặt tình trạng cảnh báo cho người dùng. Trên một vài dòng xe, đèn túi khí sẽ báo "Airbag OFF" nếu không thắt dây an toàn và bật sang ON nếu thắt.
8. Không có người ngồi, túi khí có bung?
Một vấn đề cũng nảy sinh nhiều tranh cãi. Đó là khi xảy ra va chạm đủ điều kiện, túi khí ở vị trí người lái bung là điều dĩ nhiên. Vậy túi khí ở các vị trí khác như ghế phụ chẳng hạn có bung không khi không có người ngồi? Với câu hỏi này, đáp án cũng là tùy từng trường hợp. Chuyên gia của Toyota cho biết hãng không xét tới trường hợp này, vì thế bất kể khi nào xe đâm đủ nguy hiểm, túi khí sẽ tự động nổ mà không cần biết có người ngồi ở ghế phụ hay không.
Nhưng Mercedes thì khác. Hãng xe Đức lắp thêm những cảm biến lực dưới ghế. Trong tai nạn, khi cảm biến nhận thấy có một lực tác động đủ lớn như có người ngồi, túi khí ở ghế phụ mới bung. Sở dĩ hãng đưa ra cấu tạo này là để mang tới độ an toàn cao nhất nếu trẻ em ngồi ở ghế phụ.
Trong trường hợp trẻ em ngồi ở ghế này, túi khí bung như quả bom cỡ nhỏ phát nổ thẳng vào đầu, ngực, có thể gây nguy hiểm hơn nhiều cho trẻ so với va chạm xe. Cảm biến dưới ghế sẽ đọc lực, nếu lực nhỏ hơn một giới hạn, ECU hiểu ở vị trí đó là trẻ em, túi khí ở ghế phụ không phát nổ mà chỉ có túi khí ở ghế lái nổ.
Một số hãng xe Đức khác thì đưa ra lựa chọn chế độ tắt chủ động hoặc tắt tự động cho túi khí ghế phụ nhằm giảm chi phí khi túi khí bung mà không có hành khách.
9. Khi va chạm, tất cả các túi khí đều phải bung?
Điều này không đúng. Chẳng hạn như các túi khí bên và túi khí phía trên được thiết kế để hoạt động khi xe bị đâm mạnh từ bên sườn. Khi xe bị va đập chéo hoặc trực diện ở sườn xe nhưng không ở khu vực khoang hành khách, các thiết bị này có thể không nổ.
10. Xe nào cũng phải có túi khí?
Hầu hết xe hơi hiện nay đều trang bị túi khí như một điều kiện an toàn tiên quyết. Nhưng lưu thông trên đường vẫn có những mẫu xe cũ đời khá sâu, chưa có túi khí. Để an toàn người sử dụng nên chắc chắn xe mình có túi khí hay không, có bao nhiêu túi khí?. Và nếu có, thì túi khí được đặt ở vị trí nào?
Trang Vũ (Tổng hợp)