Mới đây, trên diễn đàn dành cho hacker mang tên Br*.to đã có một thành viên tên ARES_BF_ACCOUNT đăng bài bán cơ sở dữ liệu của người dùng Việt. Dữ liệu gồm 100.000 bản ghi với các thông tin như số dư tài khoản, họ tên, địa chỉ, số tài khoản, số điện thoại và ngày tháng năm sinh.
Hình ảnh cho thấy những thông tin được thu thập từ các tài khoản ngân hàng trên khắp cả nước chứ không tập trung ở một địa phương nhất định. Một chi tiết đáng chú ý nữa là dữ liệu bị rò rỉ hồi tháng 5/2022. Mức giá mà hacker này đưa ra cho số dữ liệu chỉ 500 USD.
Có người cho rằng những dữ liệu này là giả. Tuy nhiên, khi phóng viên một số báo thử liên hệ với một vài số điện thoại trong danh sách để lộ thì các thông tin như họ tên, ngày sinh, địa chỉ… trong cơ sở dữ liệu này lại hoàn toàn chính xác.
Hiện tại chưa rõ những thông tin trên bị rò rỉ từ đâu và đến thời điểm này dường như vẫn chưa có người đăng ký mua lại. Rất có thể đây là các thông tin mà khách hàng giao dịch tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng khi đi mua sắm tại những hệ thống bán lẻ.
Thậm chí, có người còn không loại trừ khả năng đây là thông tin bị hacker lấy cắp từ hệ thống máy tính ngân hàng hoặc bị chính nhân viên ngân hàng rao bán, nhờ người giao bán.
Nếu những thông tin trên bị kẻ xấu lợi dụng, khách hàng có thể trở thành mục tiêu của các cuộc gọi, tin nhắn rác. Nguy hiểm hơn, kẻ xấu có thể sử dụng các thông tin này để đi vay tín dụng, khiến nạn nhân mang những khoản nợ "trời ơi".
Để đảm bảo an toàn cho tài khoản ngân hàng của mình, người dùng cần cảnh giác khi mua sắm ở các website online. Các bạn tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai mạo danh nhân viên ngân hàng. Sau sự cố này, bạn nên đổi mật khẩu ngân hàng để đảm bảo an toàn.
>> Xem thêm: 300 nghìn thông tin của người Việt bị hacker rao bán tràn lan trên diễn đàn quốc tế