Hơn 30 năm qua, người Sài Gòn vốn đã ít nhiều biết đến và ấn tượng với hình ảnh người đàn ông gầy gò đạp chiếc xe đã cũ qua những nẻo đường mang theo hàng chục chiếc mặt nạ Tuồng rực rỡ sắc màu, đầy thú vị.
Trời Sài Gòn nắng chang chang, ông "Bảy mặt nạ" vẫn lộc cộc đạp xe chở cái "Gallery di động" của mình khắp thành phố, tôi thắc mắc:
- Chú, chú! Sao mình không kiếm chiếc xe máy chở mặt nạ đi bán, đỡ mệt hơn không?
Ổng cười ha hả:
- Tao làm marketing đó chớ, giống người ta mướn mấy cô đẹp đẹp đạp xe đi vòng vòng quảng cáo ngoài đường vậy đó. Tại tao không có tiền nên tao tự đạp luôn (cười), đạp chậm chậm cho mọi người ngắm mấy cái mặt nạ.
Tôi gật gù bái phục: Chú Bảy có chiến lược dữ dằn chứ phải giỡn chơi!
Ông Nguyễn Văn Bảy (57 tuổi) được mệnh danh là "nghệ sĩ đường phố vẽ mặt nạ Tuồng" độc nhất ở Sài Gòn.
Đạp xe một năm trời không bán được 1 cái mặt nạ
Người Sài Gòn thì lạ gì chú Bảy nữa, bữa thì thấy ổng đứng ở góc đường Nam Kỳ, hôm thì ổng ngồi phì phèo điếu thuốc ở Pasteur, không biết ngày bán được bao nhiêu cái mặt nạ chứ thấy bán buôn nghệ sĩ lắm, chớ hề thấy ổng mời mọc hay chèo kéo khách, ai thích thì mua, còn không thì cứ coi rồi đi cũng được.
Chú Bảy bán buôn cùng nghệ sĩ như cách ông vẽ mặt nạ
Chú Bảy người Bình Định, nói chuyện cứ "mày - tao" mà thẳng tiến, nhưng lời nào nói ra cũng thiệt thà, vậy nên người ta quý. Bữa ngồi nói chuyện, ổng kể: "Học xong lớp 12 tao đi lính bên chiến trường Campuchia, hoà bình lập lại tao về Sài Gòn kiếm việc làm, mà tìm mòn mắt không được việc gì ra hồn. Thế là tao tìm tòi vẽ mặt nạ để mưu sinh".
Những chiếc mặt nạ tạo nên điểm nhấn đặc biệt giữa lòng thành phố.
Duyên cớ cũng vì hồi nhỏ ông Bảy đi coi hát bội, thấy người ta vẽ mặt cho nghệ sĩ vô cùng điệu nghệ và cuốn hút nên là mê mẩn, về nhà tự lấy phấn ra tập vẽ. Lớn hơn một chút thì tìm tòi trên sách vở để hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này.
Trong nghệ thuật hát bội (tuồng cổ) riêng về khâu hoá trang có rất nhiều những nguyên tắc, nếu không nắm thật chắc những quy định sẽ không thể làm ra nét đặc trưng của nó. Chính vì vậy chú Bảy đã mất rất nhiều thời gian để có thể hiểu và yêu công việc này.
Chú Bảy mê nghệ thuật hát Bội (Tuồng) từ hồi còn nhỏ. Môn nghệ thuật này giờ đây đã trở thành một phần cuộc sống của chú.
Thấm thoát cũng hơn 30 năm từ ngày thực hiện những chiếc mặt nạ đầu tiên, giờ thì việc bán buôn khá khẩm hơn trước, vì đời sống người dân phát triển, người ta có nhu cầu trang hoàng nhà cửa bằng những món đồ mỹ nghệ, chứ ngày xưa thì mặt nạ ông Bảy chật vật trăm đường.
"Nguyên một năm đầu tao đạp xe từ 7h sáng tới 10h tối mà không bán được 1 cái mặt nạ nào. Tối về phải phụ vợ khâu hạt cườm để có thu nhập sống qua ngày. Nhiều bữa xe đạp lủng lốp mà trong túi không có đồng nào, tao phải dắt bộ về. Vợ tao biểu thôi tìm công việc khác mà làm, chứ vầy miết sao sống nổi. Nhưng tao tin là sẽ nuôi vợ con bằng công việc này được" - chú Bảy nhớ lại những ngày đầu.
Chú giới thiệu cho khách về ý nghĩa các nét vẽ trên mặt nạ.
Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Trời không phụ lòng người, những ngày tháng gian khó rồi cũng qua, những chiếc mặt nạ của chú Bảy ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là du khách nước ngoài yêu thích văn hoá Việt.
Khách hàng tìm đến mua nhiều hơn.
Những chiếc mặt nạ được chú Bảy làm từ bột đá, polymer và được tô vẽ bằng sơn dầu nên rất bền. Nhìn thoáng qua, mặt nạ Tuồng khá giống Hí kịch của Trung Quốc, xong thực tế, các đường nét rất khác nhau.
Mỗi màu sắc trên mặt nạ mang một ý nghĩa riêng.
Màu sắc dùng để hóa trang trong Tuồng phổ biến là trắng, đỏ, xanh và màu đen. Trong đó mặt trắng thể hiện diện mạo đẹp đẽ, tính cách trầm tĩnh, mặt đỏ dùng cho người trí dũng, chững chạc, mặt rằn thể hiện diện mạo xấu xí, tính cách nóng nảy, hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy, nếu tròng xéo đen nền đỏ thắm hay xanh là người vũ dũng.
Chú Bảy nói, khi vẽ tay mình cũng phải uyển chuyển như một nghệ sĩ múa vậy.
Chú Bảy bảo vẽ mặt nạ quan trọng nhất là phải ra được cái thần thái, ai khéo tay cũng có thể vẽ được mặt nạ Tuồng nhưng không phải ai cũng có thể làm chiếc mặt nạ có hồn như cách mà chú hay nói là mặt nạ sống và mặt nạ chết.
"Để làm cho một chiếc mặt nạ sống động như thật thì phải thật sự yêu và trân trọng chiếc mặt nạ đó, khi mình dành hết tình yêu của mình vào đó thì tự nhiên nó sẽ có tâm hồn" - chú chia sẻ.
Mỗi chiếc mặt nạ được người nghệ sĩ gửi gắm rất nhiều tình cảm.
Nói về những chuyện mai sau, chú bảo không ép buộc các con phải đi theo con đường này để tiếp nối truyền thống, bởi mỗi người sẽ có một khả năng riêng, chú chỉ mong các con của mình tìm được niềm yêu thích thật sự và đi đến cùng với nó.
Chẳng cầu kỳ hoa mỹ, không đao to búa lớn, mỗi ngày người đàn ông này vẫn âm thầm chở cái đẹp đi khắp thành phố, để những giá trị truyền thống bằng một cách nào đó vẫn tồn tại giữa bộn bề của thời cuộc.
Toàn Nguyễn