Trẻ hay quấy ban đêm có nhiều lí do nhưng bị đói, bị ướt, bị bệnh...cha mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để tìm cách khắc phục.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ khóc đêm do một trong các nguyên nhân như sốt, đói, quá nóng, quá lạnh, đau bụng, ngủ mơ, thay đổi thời tiết… thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ cần khắc phục những điều đó là trẻ sẽ ngủ ngon trở lại.
Để trẻ ngủ ngon, không quấy khóc cha mẹ cần chú ý đến thể trạng, sức khỏe và các yếu tố xung quanh trẻ. Ảnh: Internet |
Nếu nguyên nhân từ thể trạng và sức khỏe của bé, cha mẹ cần cho con đi xét nghiệm các yếu tố vi lượng như magie, canxi, kẽm… Nếu cần thiết, có thể làm siêu âm thóp hoặc điện não đồ để có thêm kết quả. Khi cho con đi khám, nên trao đổi kỹ với bác sĩ để có chế độ điều trị phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng vì rất có thể trẻ có vấn đề với hệ thần kinh.
Sau khi xác định nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc, không ngủ ngon ban đêm, cha mẹ có thể áp dụng 4 cách sau đây:
1. Trang trí giường thật ấm cúng
Mục tiêu của bạn là để đảm bảo sự thoải mái sẽ khiến bé không bị thức giấc lúc nửa đêm. Cần nhớ, ưu tiên hàng đầu của phòng ngủ là sự yên tĩnh, không nên để trẻ nghe thấy các âm thanh khác, như tiếng Tivi chẳng hạn. Tiếp đến là vấn đề ánh sáng, hãy để phòng bé đủ tối và không lọt ánh sáng bên ngoài vào. Bạn có thể lựa chọn các loại rèm cửa xinh xinh cho phòng bé. Nhớ giữ giường bé đủ chăn ấm để chân trẻ không bị lạnh khi ngủ. Và tất nhiên, hãy đảm bảo trẻ có thể tự đi vệ sinh vào ban đêm.
2. Tạo không gian ngủ phù hợp
Nguyên tắc vàng khi tập thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ đó là mẹ cần có một không gian lý tưởng, hoặc là thật yên tĩnh hoặc là có âm thanh du dương và ánh sáng dịu nhẹ. Bé sẽ tự làm dịu và ngủ thiếp đi lúc nào không biết mà không cần đến sự tác động nhiều của mẹ. Trẻ sẽ bắt đầu giấc ngủ một cách ít căng thẳng nhất cũng như dễ dàng quay lại giấc ngủ sau mỗi lần thức dậy để ăn đêm. Như vậy, ba mẹ cũng sẽ có một giấc ngủ ngon cùng bé.
Cách giúp trẻ nhận thức được đã đến giờ đi ngủ bao gồm việc làm vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, mát xa, cho bé uống sữa và hát ru hoặc đọc truyện cho trẻ nghe. Các hoạt động đó sẽ được lặp lại mỗi tối và sẽ thành thói quen, mẹ chỉ việc đặt bé lên giường, vỗ về bé là bé ngủ ngay. Mẹ lưu ý nhớ đặt bé nằm ngửa để giảm thiểu nguy cơ SIDS (Hội chứng trẻ sơ sinh đột tử trong lúc ngủ).
3. Ăn nhẹ trước khi ngủ
Trong quá trình trẻ đang phát triển mạnh mẽ, bữa ăn trước khi đi ngủ là rất cần thiết. Hãy lựa chọn những loại thức ăn nhẹ nhàng, không quá giàu chất đạm, không đường để thần kinh trẻ không bị quá kích thích. Khi con ăn, bạn có thể kể câu chuyện trước khi đi ngủ, sau đó cho trẻ đánh răng và di chuyển con vào giường đi ngủ.
4.Cho bé ngủ chung giường với mẹ
Bé ngủ chung với bố mẹ có rất nhiều ưu điểm, nó không chỉ giúp gắn kết thêm tình yêu thương giữa mẹ và bé mà còn tạo ra những liên kết vật lý vô hình giữa hai mẹ con. Với các mẹ cho con bú thì việc ngủ chung giường sẽ rất tiện mỗi khi mẹ cho bé ăn đêm. Nhiều mẹ thấy rằng nếu ngủ cạnh con mẹ có thể nhanh chóng vỗ về, dỗ dành để trẻ ngủ tiếp mỗi khi con tỉnh giấc. Đối với các trẻ nhút nhát hay sống nội tâm, việc tăng cường sự thân mật bằng cách ngủ chung với con là rất tốt.
Tuy nhiên, có nhiều bé ngủ cùng bố mẹ lại dễ bị tác động hơn là khi con ngủ riêng. Đồng thời, theo một số nghiên cứu khoa học đáng tin cậy thì trẻ em ngủ chung giường với người lớn sẽ có nguy cơ SIDS cao hơn trẻ ngủ một mình. Trên thực tế, trong tổng số các trường hợp SIDS thì có đến 50% số ca tử vong khi trẻ ngủ chung với bố mẹ.
Lê Vy (tổng hợp)