Mặc dù Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo đã chính thức 'đường ai nấy đi' nhưng những câu chuyện xoay quanh vụ ly hôn nghìn tỷ của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên vẫn là một trong những đề tài nhận được sự quan tâm của dư luận.
Thời điểm phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo vẫn còn nóng trên các mặt báo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có những chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình khi cho rằng để gây dựng được 'đế chế' Trung Nguyên như hiện nay cần phải nghĩ lớn và làm việc hơn người.
'Khi ra đời Qua khác người khác. Chí đầu tiên của Qua nó lớn lắm. Hồi xưa người ta đặt "cơ sở" nhưng Qua phải ghi là "hãng" mới được nha. Qua nói với mấy bạn sinh viên của mình, 6 tháng của mình phải làm hơn người ta làm 20 năm. Mà phải làm được đó nghe. Nhưng thế mệt lắm', ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhắn nhủ đến thế hệ trẻ.
Những câu chuyện xoay quanh việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ có 'năng lực đặc biệt trong việc sử dụng thời gian' cũng đã từng được nhắc đến tại phiên xét xử vào ngày 21/2/2019.
Thời điểm này khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo đặt câu hỏi cho ông Vũ về việc ông lên núi 5 năm thì mọi việc ở Trung Nguyên 'ai là người quản lý'?
Đáp trả lại câu hỏi này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết bên cạnh ông vẫn có những người anh em ở Trung Nguyên - những người mà ông tin tưởng và chốt hạ một câu đầy triết lý: 'Người giỏi lãnh đạo có bao giờ thời gian vật lý là quan trọng đâu'.
'Người giỏi lãnh đạo' mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhắc đến đã làm cách nào để 'tối ưu thời gian vật lý' của mình?
Trong cuốn sách Tứ thư lãnh đạo: Thuật quản trị, tác giả Hòa Nhân đã đề cập đến một chiến lược quan trọng đó là để những người quản lý cùng đóng góp kế sách và sức lực.
Chiến lược này dựa trên các nguyên tắc gồm:
1. Phá vỡ thông lệ
Bằng việc cho nhân viên quản lý công ty phụ trách công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những công việc này thường trái ngược với sở trường và sở nguyện của họ.
2. Giao quyền tự chủ cho nhân viên quản lý
Người lãnh đạo cần cho nhân viên tham gia vào công tác lãnh đạo - một trong những cách để bồi dưỡng người lãnh đạo chân chính.
Bằng việc trao quyền cho họ, bạn sẽ để họ thể hiện được năng lực của mình.
3. Cho phép nhân viên phạm lỗi
Nếu như bạn đã giao quyền tự chủ cho họ thì bạn cũng nên cho họ được phép phạm lỗi 1 lần, đây cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Bạn không nên chỉ trích hay trách móc chỉ vì họ dám làm những việc có tính rủi ro cao mà không đạt được thành công.
Bởi phạm lỗi là một phần trong quá trình trưởng thành của một con người.
4. 'Dọn đường' cho sự thăng tiến của cấp dưới
Ở một chừng mực nhất định, làm lãnh đạo đồng nghĩa với việc bạn từ chối một số trách nhiệm.
Điều này khẳng định một điều rằng bạn có thể khiến cấp dưới nghĩ rằng tất cả những ý tưởng sáng tạo đều là do họ tự nghĩ ra.
Bạn nên để cấp dưới đảm nhiệm những chức trách mà bạn từng làm trước đây, trao quyền cho họ ở thời điểm thích hợp.
5. Trả thù lao 'hậu hĩnh' cho họ
Việc khẳng khái tán dương, khen thưởng, đề bạt và ca ngợi cùng với việc giao trách nhiệm có thể giúp bạn xây dựng được một đội ngũ quản lý 'hùng mạnh' khi 'đánh đâu sẽ thắng đó'.
Ngoài ra, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa, thân thiện với nhân viên cũng là một trong những 'bí quyết' lãnh đạo mà nhiều người cần biết.
Ở lĩnh vực này, Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm rất tốt khi luôn gọi những người cộng sự, đồng nghiệp, nhân viên của mình là 'người anh chị em', ông cũng là người luôn truyền cảm hứng và tầm nhìn lớn đến họ.