Hãy điểm lại một chút xem lãnh đạo, cấp trên của bạn có sở hữu đặc điểm nào dưới đây không nhé!
1. Lãnh đạo có đời sống tình cảm phức tạp
Mẫu lãnh đạo này sẽ phải lãng phí rất nhiều thời gian vàng bạc của mình vào việc xử lý những tranh chấp tình cảm và như thế, sẽ khó cho anh ta trong việc bình tĩnh vận hành đơn vị, doanh nghiệp.
Ngoài ra, nếu như bạn là một người đàn ông đã có gia đình, theo một lãnh đạo như vậy lâu dần, ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến vợ chồng không vừa mắt nhau.
Nếu bạn là phụ nữ, bất luận là bạn đã kết hôn hay chưa, bạn cũng sẽ bị tác động tiêu cực trong cách nhìn nhận về hạnh phúc.
2. Lãnh đạo không có kinh nghiệm thành công
Nếu như lãnh đạo của bạn lăn lộn trên thương trường nhiều năm, từng điều hành bốn, năm đơn vị mà chưa một lần thành công thực sự mà vẫn thường xuyên nói rằng:
Tôi đã trải qua không biết bao nhiêu việc, người có thể ngã xuống mà vẫn có thể đứng lên như tôi thế này cũng không nhiều, dù sao tôi cũng có sự khác biệt của tôi… bạn nên xem lại lựa chọn của mình.
Đúng, anh ta có sự độc đáo riêng biệt, có thể đứng lên sau rất nhiều thất bại không phải là việc dễ dàng nhưng liên tục nhiều lần mà chưa một lần thành công, hẳn anh ta đã có khuyết điểm gì đó rất lớn.
Nếu như có một lãnh đạo như thế này, bạn hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân thất bại của anh ta là gì. Một lãnh đạo không có kinh nghiệm thành công làm sao có thể khẳng định lần này nhất định anh ta sẽ thành công? Trừ khi bạn có thể thay anh ta đem vận may đến.
Ảnh minh họa.
3. Lãnh đạo việc gì cũng phải tự mình làm mới yên tâm
Bất cứ một việc gì, nếu không qua tay tôi là nhất định sẽ gặp vấn đề - đây là câu nói cửa miệng của rất nhiều ông chủ và được họ xem như một việc đáng tự hào.
Nếu như một lãnh đạo mà việc to việc nhỏ gì cũng phải qua tay mình thì làm sao anh ta có thể kỳ vọng cấp dưới của mình độc lập, trưởng thành? Cấp dưới không thể độc lập thì cơ hội phạm sai lầm lẽ tự nhiên sẽ ngày một lớn, đặc biệt là khi lãnh đạo không có mặt.
Nếu như không muốn ở cả đời làm việc trong một công ty nhỏ không danh tiếng, vậy thì hãy chọn một lãnh đạo hiểu rõ quyền hạn và trách nhiệm của bản thân.
Ngoài ra, một ông chủ việc gì cũng muốn can thiệp vào sẽ khó có thể giữ được nhân tài. Một người có trí sáng tạo, có tinh thần gánh vác tuyệt đối không hy vọng cấp trên thường xuyên thao túng, chỉ đạo từng ly từng tí.
Mà một công ty không giữ được nhân tài, thì bạn làm sao có thể kỳ vọng nó có thể tạo ra thành tích tốt?
4. Lãnh đạo tham lam và kẹt xỉ
Trên đời này không có gì là miễn phí, vừa muốn ngựa tốt là vừa muốn ngựa không ăn cỏ, mẫu lãnh đạo này chỉ có thể gọi là không biết điều.
Một lãnh đạo thành công nên biết và hiểu thế nào là thả dây dài câu cá lớn, thả con săn sắt bắt con cá rô.
Người muốn bắt gà nhưng tiếc không muốn mang gạo ra làm mồi nhử cuối cùng sẽ trắng tay mà thôi. Biết bỏ ra mới có nhận lại, đây là điều cơ bản mà mọi lãnh đạo thành công đều phải có.
Nếu như lãnh đạo của bạn là người luôn sợ thiệt, sợ mất từ những cái nhỏ nhưng luôn ao ước thu về những cái lớn, đã đến lúc bạn nên suy nghĩ về việc có nên tiếp tục làm việc với anh ta nữa hay không.
Ảnh minh họa.
5. Lãnh đạo có mới nới cũ
Trừ khi là một doanh nghiệp đã có trăm năm lịch sử, nếu không, ở bất cứ công ty nào cũng sẽ dễ dàng chỉ ra vài vị "khai quốc công thần".
Nếu như bạn không phát hiện ra họ trong công ty, nhiều khả năng những "khai quốc công thần" này đã bị cho "ra rìa" sau khi "giang sơn" ổn định.
Cộng sự với mẫu lãnh đạo này, thường sẽ có kỳ trăng mật vô cùng ngắn ngủi. Sau khi vào công ty, lãnh đạo thường xuyên nói những nhân viên nguồn kia không tốt chỗ này, không được chỗ kia.
Đến đỉnh cao của kỳ trăng mật, công ty lại đón thêm người mới. Kiểu công ty này thường người ra, vào nhộn nhịp như đi chợ. Và rồi lãnh đạo bắt đầu khen ngợi những người mới trước mặt bạn.
Hết kỳ trăng mật, nếu kỳ trăng mật của bạn đủ dài, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy lãnh đạo đề cập đến người này không thể dùng, người kia không phù hợp và cuối cùng, câu chuyện hệt như vậy sẽ xảy ra với bạn.
Lãnh đạo thuộc nhóm này không thể đánh giá khách quan năng lực và hiệu quả làm việc của cấp dưới. Cho dù bạn làm tốt 99 việc, chỉ có việc thứ 100 là đổ bể, bạn sẽ khó tìm kiếm được cơ hội chứng minh bản thân, trừ khi bạn đảm bảo hiệu quả công việc sau này sẽ luôn luôn khiến anh ta hài lòng.
6. Lãnh đạo có lời nói và hành động không thống nhất
Kiểu lãnh đạo này thường xuyên nói: Kiếm nhiều tiền như vậy với tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp là chạy theo lợi nhuận. Lợi nhuận là mạch máu chính giúp công ty tồn tại, vậy tại sao một lãnh đạo lại nói là không có ý nghĩa gì?
Một lãnh đạo mà lời nói không đi đôi với hành động, nói và làm không thống nhất, rõ ràng khó có thể tạo niềm tin cho cấp dưới.
Ảnh minh họa.
7. Lãnh đạo thích nghe những lời mật ngọt
Những người thuộc nhóm này thường không phân biệt được người nào đang có ý tốt, người nào đang cố tình xu nịnh hoặc chơi xấu mình, càng không thể phân biệt được ai là người đang thật tâm khen mình, ai đang lấy lòng mình.
Tất nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng lãnh đạo nghe những lời phê bình mà vẫn vui vẻ tươi cười. Chẳng ai muốn bị chê trách, đó bản bản tính của con người. Nhưng nếu những lời chân thành một khi nói ra lập tức bị gây khó dễ, sẽ chẳng ai muốn góp ý làm gì.
Lâu dần, tình hình công ty sẽ khó có thể cải thiện theo hướng tích cực. Và quan trọng hơn nữa là, môi trường làm việc này sẽ mất đi khả năng đào thải hợp lý để công ty phát triển.